Đối thoại Shangri-La 16: Đề cao luật lệ quốc tế trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, sáng 3/6, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 16 đang diễn ra tại Singapore, các Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã có các bài phát biểu về quan điểm đối với an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: EPA/TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh Mỹ cam kết tôn trọng và duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước, kể cả các nước nhỏ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cho rằng luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định "thiếu sáng suốt". Bà Inanda bày tỏ mong muốn tạo dựng mối quan hệ đồng minh sâu rộng hơn với Mỹ nhằm đóng vai trò tích cực hơn đối với an ninh khu vực.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, ông Mattis nêu rõ Washington không chấp nhận hành động quân sự hóa và triển khai vũ khí của Trung Quốc tại các thực thể chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông. Mỹ cũng tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông và cho rằng mọi hành động thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Trong khi đó, bà Inada cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đối với vụ kiện của Philippines phải có giá trị pháp lý và tính ràng buộc đối với các bên liên quan.

Về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, các quan chức quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản và Australia cho rằng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã gia tăng cả về cấp độ và quy mô, tạo ra mối đe dọa đối với các nước trong khu vực.

Trung Quốc cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Nhìn nhận về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước đều nhất trí cho rằng ASEAN có tầm quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực cũng như trong việc bảo vệ pháp trị, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực mạnh mẽ và toàn diện, trong đó ASEAN là trung tâm.

Đề cập đến thách thức an ninh từ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Đông Nam Á, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Indonesia và sự gia tăng hoạt động của nhóm khủng bố Maute thân IS tại Philippines, các nước cho rằng để giải quyết mối đe dọa này, khu vực cần hợp tác để ngăn chặn ảnh hưởng của IS tại Đông Nam Á. Mỹ cho biết sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo liên minh chống IS tại Trung Đông, Philippines cũng như phối hợp với Malaysia, Indonesia để chia sẻ thông tin về khủng bố.

Giới phân tích nhận định các phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đề cập tới nhiều vấn đề an ninh hiện là thách thức lớn đối với khu vực và thế giới. Đáng chú ý, Mỹ đã cho thấy chính sách của nước này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có sự kế tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

Các quan chức quốc phòng của 3 nước cũng nhấn mạnh cách tiếp cận giải quyết các thách thức an ninh khu vực theo hướng tăng cường can dự ngoại giao, chính trị và thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế bởi đây chính là chìa khóa để đảm bảo an ninh và thịnh vượng của khu vực.

TTXVN/Tin Tức
Trung Quốc có ẩn ý gì khi cử quan chức cấp thấp dự Đối thoại Shangri-La?
Trung Quốc có ẩn ý gì khi cử quan chức cấp thấp dự Đối thoại Shangri-La?

Tham dự Đối thoại Shangri-La (SLD) tại Singapore năm nay cùng với các bộ trưởng và quan chức quốc phòng của hơn 50 nước, Trung Quốc đã cử một trưởng đoàn đại diện cấp bậc thấp khác thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN