Nhân Đại hội XIII của Đảng, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về những thành tựu trong công tác đối ngoại nhân dân nhiệm kỳ Đại hội XII và những kỳ vọng ở nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Với vai trò đầu mối trong công tác đối ngoại nhân dân, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Liên hiệp Hữu nghị đã triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả nổi bật nào nhằm góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thưa Đại sứ?
Trong 5 năm qua, đối ngoại nhân dân, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại mà Đại hội XII đã đề ra, đó là: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.
Với vai trò là đầu mối trong công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị và các thành viên đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thành công chung của đối ngoại nước nhà.
Theo đó, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hòa bình, hợp tác giữa nhân dân các nước, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã chủ động củng cố, phát triển theo chiều sâu quan hệ với nhân dân các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống và mở rộng quan hệ với các đối tác mới.
Cùng với đó, Liên hiệp Hữu nghị đã thiết lập, duy trì quan hệ hợp tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế. Hàng nghìn hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị có nội dung sâu sắc và hình thức rất sáng tạo và phong phú đã được tổ chức trên các kênh nhân dân ở cả cấp quốc gia và các địa phương góp phần tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước. Điển hình như: các hoạt động gặp gỡ hữu nghị, quảng bá văn hóa nhân các ngày lễ lớn hoặc bên lề chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao; kỷ niệm Quốc khánh và các sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn; liên hoan nhân dân, diễn đàn hợp tác nhân dân; gặp gỡ nhân sỹ, cựu binh, gia đình có thân nhân chết, mất tích trong chiến tranh; các cuộc thi “Giai điệu hữu nghị”, tranh vẽ thiếu nhi, hùng biện tiếng nước ngoài cho học sinh, sinh viên Việt Nam và tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài tại Việt Nam; các chương trình hợp tác du lịch, giáo dục “Ở nhà dân”, “Ươm mầm hữu nghị”, "Hướng tới tương lai” dành cho sinh viên nước ngoài, các hoạt động văn hóa, thể thao, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch...
Bên cạnh đó, hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 (APF 2020), Diễn đàn nhân dân Á - Âu (AEPF), Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình, Hội nghị thế giới chống bom A&H, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi (AAPSO), Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc - UN ECOSOC, Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền - AICHR..., đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam; tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng đất nước và củng cố hòa bình, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, hội nhập, hợp tác và phát triển, ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Liên hiệp Hữu nghị đảm nhiệm tốt chức năng là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đồng thời là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Hiện nay, trên 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân 5 năm qua đạt 1,5 tỉ USD, tương đương 300 triệu USD/năm. Các dự án phi chính phủ được triển khai ở tất cả 63 tỉnh/thành trong cả nước, thiết thực góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm, thúc đẩy. Nhiều hội thảo đã được Liên hiệp Hữu nghị, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức để cung cấp, chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến phục vụ cho công tác nghiên cứu lý luận, hoạch định chính sách và hoạt động đối ngoại nhân dân. Liên hiệp Hữu nghị tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các hoạt động giao lưu hữu nghị, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Nhờ những bước đi trên, hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hữu nghị đã phát triển mạnh mẽ với 116 tổ chức thành viên, trong đó 64 tổ chức thành viên ở Trung ương và 52 Liên hiệp hữu nghị ở địa phương với hàng trăm chi hội thành viên. Đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị ngày càng trưởng thành.
Đại sứ đánh giá thế nào về nội dung công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng thời gian tới, được đề cập trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng? Liên hiệp Hữu nghị đã có đóng góp gì vào nội dung này, thưa Đại sứ?
Trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh những nội dung quan trọng mang tính nguyên tắc được kế thừa từ văn kiện Đại hội Đảng XII, dự thảo đã bổ sung những nội hàm quan trọng, thể hiện sự phát triển tư duy đối ngoại mới, sáng tạo, thích ứng với những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn phát triển đất nước.
Nội dung “Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi” được thể hiện trong văn kiện là rất quan trọng, mang tính nguyên tắc. Việc xác định vai trò “tiên phong” của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định… như trong dự thảo văn kiện là một nhận định mới, thể hiện đúng vai trò, vị trí nhiệm vụ quan trọng của các hoạt động đối ngoại.
Liên hiệp Hữu nghị cùng các cơ quan đã tiến hành đóng góp ý kiến rất tích cực, trách nhiệm vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII. Chúng tôi vui mừng nhận thấy, nhiều ý kiến đóng góp đã được tiếp thu, trong đó có định hướng quan trọng về hoạt động đối ngoại song phương và đa phương theo hướng chủ động, tích cực hội nhập toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia.
Đặc biệt, dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã tiếp thu, bổ sung nội dung quan trọng về đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân; nhấn mạnh, “Xây dựng nền ngoại giao hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân…”, bảo đảm tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam, thể hiện được vai trò, nhiệm vụ của các lực lượng đối ngoại.
2021 là năm tiến hành Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm dự báo tình hình trong nước sẽ có nhiều thời cơ thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Công tác đối ngoại nhân dân của ta có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa Đại sứ?
Về khó khăn, thách thức, tôi cho rằng, trước hết, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, hiện nay ở một số địa bàn, phạm vi quan hệ, mạng lưới đối tác còn hạn chế, mối liên hệ với đối tác chưa thường xuyên; phương pháp tiếp cận một số vấn đề mới chưa được đổi mới mạnh mẽ.
Một số hội hữu nghị ở Trung ương vì lý do khách quan ít hoạt động trong thời gian dài. Khả năng triển khai công tác đối ngoại của một số tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương không đồng đều, còn lúng túng về phương thức hoạt động, chưa mở rộng quan hệ đối tác hoặc khó khăn về kinh phí hoạt động. Việc thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các tổ chức thành viên còn hạn chế.
Mô hình tổ chức của Liên hiệp Hữu nghị ở các địa phương chưa thống nhất, có nơi chưa phù hợp. Nhận thức và năng lực chỉ đạo, quản lý công tác đối ngoại nhân dân của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế.
Hiện nay, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn yếu và thiếu. Liên hiệp Hữu nghị tuy đã huy động được sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác đối ngoại cho các hoạt động, song chưa phát huy được hết vai trò, năng lực của đội ngũ chuyên gia này, nhất là trong công tác phân tích, nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách...
Về mặt thuận lợi, có thể nói, công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam đang có nhiều điều kiện để triển khai, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện. Trước hết, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của đối ngoại nhân dân; xác định đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những chỉ đạo, định hướng sát sao, tạo điều kiện để Liên hiệp Hữu nghị phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại nhân dân. Cụ thể, cùng với các văn bản chỉ đạo quan trọng như Chỉ thị 28-CT/TW ngày 2/12/2008, Chỉ thị số 04- CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với Liên hiệp Hữu nghị, gần đây nhất Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 38-CT/TW ngày 19/9/2019 về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới. Đây là động lực mạnh mẽ để những người làm công tác đối ngoại nhân dân thêm quyết tâm hoàn thành thật tốt vai trò của mình.
Cùng với đó, những thành tựu của đất nước trong phòng chống, kiểm soát COVID-19 và phát triển kinh tế -xã hội, hình ảnh, uy tín, vị thế của đất nước là nền tảng vững chắc cho đối ngoại nhân dân. Với những thành tựu trên, bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng yêu mến, cảm phục, đoàn kết và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Thêm một thuận lợi nữa, những năm gần đây, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, phong phú, đa dạng. Tham gia vào mặt trận này có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành ở Trung ương, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người dân, thanh niên, học sinh, sinh viên… Nhờ đó, nhận thức về công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm “mỗi người dân là một đại sứ hình ảnh cho đất nước mình” trong nhân dân được nâng lên rõ rệt. Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet cũng tạo thuận lợi cho việc cung cấp thông tin, kết nối đối tác.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ.