Đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai công tác ngoại giao văn hóa

Chiều 9/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao văn hóa năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao văn hóa, 94 Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định thế giới đang đứng trước bước ngoặt chuyển sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc. Trong đó, cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt hơn, các điểm nóng phức tạp hơn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống rõ ràng hơn. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đề cao ngoại giao văn hóa như là một công cụ hiệu quả trong giảm thiểu bất đồng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, với thế và lực mới cùng với đòi hỏi của đất nước trong bối cảnh mới, hơn bao giờ hết, công tác ngoại giao văn hóa phải thực sự được đặt ngang tầm với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, góp phần triển khai thành công đường lối đối ngoại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của đất nước, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín quốc gia.

Bộ trưởng nhấn mạnh 5 mục tiêu chính của công tác ngoại giao văn hóa bao gồm: thúc đẩy tạo dựng lòng tin, nâng cao hình ảnh, sức mạnh mềm quốc gia; hội nhập chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; quảng bá tôn vinh các giá trị của văn hóa, vẻ đẹp của đất nước, tư tưởng, phẩm chất cao đẹp của người Việt; vận động ghi danh các danh hiệu UNESCO, góp phần biến văn hóa thực sự trở thành “sức mạnh nội sinh”, đóng góp vào phát triển bền vững đất nước; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Điều hành thảo luận, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận hai nội dung chính: gắn kết chặt chẽ hơn nữa Ngoại giao Văn hóa với Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Kinh tế và công tác Người Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới, sáng tạo trong quảng bá giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó hướng đến những đột phá, thay đổi tư duy trong công tác Ngoại giao văn hóa.

Tại Hội nghị, các Đại sứ Việt Nam tại các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Bỉ, Angeria, Australia, Italy, Nam Phi, Brazil, Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, tại UNESCO… và các đơn vị của Bộ Ngoại giao đã thảo luận sôi nổi, thực chất, chia sẻ nhiều ý kiến, đề xuất sâu sắc, tâm huyết, trong đó tiêu biểu là về cách thức triển khai, cần có trọng tâm trọng, trọng điểm, có chiến lược tổng thể, dài hạn, có sản phẩm văn hóa chủ lực, khai thác điểm đồng về văn hóa, phù hợp của từng địa bàn, đối tượng… Đồng thời cần phải biết cách gắn câu chuyện văn hóa để tăng sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần làm nõ nét hơn hình ảnh các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng không gian ảo. Về nguồn lực, cần có đầu tư thích đáng, có cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội hóa; đồng thời tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để mỗi cán bộ, người dân là một sứ giả văn hóa.

Các đại biểu cũng nhất trí công tác ngoại giao văn hóa cần phải liên tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ làm phong phú nội dung, hình thức của các hoạt động ngoại giao văn hóa.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các đơn vị về những kết quả đạt được, đồng thời nhấn mạnh Ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó ngoại giao chính trị là chủ công, ngoại giao kinh tế là đột phá, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam; phương châm “Ngoại giao văn hóa lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” và công tác ngoại giao văn hóa là quá trình thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn định hướng những nhiệm vụ trong thời gian tới với 9 nội dung như tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách; thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế; quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới; hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt vai trò; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại; ứng dụng công nghệ số... Bộ trưởng cũng yêu cầu chuẩn bị cho Hội nghị quốc gia sơ kết 3 năm triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030.

TTXVN/Báo Tin tức
Ngoại giao văn hóa lan tỏa hình ảnh đất Tổ
Ngoại giao văn hóa lan tỏa hình ảnh đất Tổ

Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN