Năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam tăng cao chưa từng thấy. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay.
Góp phần thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, phải kể đến những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nơi đây quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tối ưu cho việc nghiên cứu và phát triển các ý tưởng công nghệ và khởi nghiệp. Trung tâm cũng hỗ trợ kết nối và xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các sản phẩm công nghệ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, đại diện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, các doanh nghiệp của Việt Nam hiện tại đang có ý thức về việc cần thiết phải đổi mới, đặc biệt sau khoảng thời gian ứng phó với đại dịch COVID-19. Nhưng nhìn chung, họ đang bối rối trước việc phải thích ứng, thay đổi và gặp khó khăn trong việc đổi mới từ nguồn vốn, nhân lực cho đến tầm nhìn.
“Lý do hấp dẫn tôi đầu quân cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là sứ mệnh mà Trung tâm đang đảm nhận. Đó là tiên phong dẫn dắt, kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho hay.
Hiện nay Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã quy tụ được hơn 1.000 chuyên gia người Việt đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng trên toàn cầu để họ góp phần chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước. Bên cạnh đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn trên thế giới với các startup trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, bên cạnh việc tiếp nhận đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia còn xây dựng kế hoạch tiếp quản các kiến thức và kinh nghiệm để đề xuất các chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển. Tại Hà Nội, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia có một trung tâm hỗ trợ trực tiếp các startup. Tại đó, các startup được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt khi ươm tạo các công nghệ ưu tiên; được hỗ trợ đào tạo nhân lực và hỗ trợ các chương trình truyền thông.
Bà Dung cũng nêu một ví dụ cụ thể về Genetica, công ty giải mã gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học phân tử vào con chip bản quyền chuyên sâu giải mã gen dành cho người châu Á. Tháng 10/2021, Genetica đã thông báo sẽ phát triển phòng lab về giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, với công suất thiết kế lên đến 500.000 bộ gen/năm. Là người kết nối, giới thiệu và vận động Genetica về đặt bản doanh tại Việt Nam, bà Dung nhận định rằng Genetica có đội ngũ sáng lập là những người được đào tạo bài bản cao cấp tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Họ về Việt Nam để “đốt năng lượng” đã được tích lũy trong hơn 10 năm sống và làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn tại Mỹ, nơi có nguồn lực khủng về đổi mới sáng tạo.
Phát huy nguồn lực Việt
Trong những năm gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều hoạt động kết nối mạng lưới tri thức trên toàn cầu, kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, nhằm tạo xung lực thúc đẩy tất cả các chủ thể, đặc biệt là khối doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Cao Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Genetica chia sẻ: "Ban đầu, kế hoạch của chúng tôi là đặt bản doanh tại Singapore. Nhưng kế hoạch đã thay đổi khi tôi lần đầu tiên gặp Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Mỹ. Tôi vẫn rất ấn tượng khi Bộ trưởng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học từ Mỹ về Việt Nam phát triển".
Sau cuộc gặp giữa Bộ Trưởng và 100 nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới, ông Cao Anh Tuấn đã thay đổi suy nghĩ và quyết định đặt trụ sở chính của Genetica vùng Đông Á tại Việt Nam.
Trung tâm giải mã gen của Genetica, đặt tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia,được thiết kế theo tiêu chuẩn đồng bộ với phòng thí nghiệm tại trụ sở Mỹ, tuân thủ theo CAP và CLIA - bộ tiêu chuẩn khắt khe nhất dành cho phòng xét nghiệm gen trên thế giới. Vậy nên, Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á có phòng xét nghiệm gen đạt chuẩn CAP, CLIA trong khu vực.
Trung tâm giải mã gen cũng sẽ là nơi phục vụ cho các nghiên cứu về gen di truyền của Genetica với nhiều bệnh viện hàng đầu trên thế giới và trong nước như Đại học Y Harvard, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Tâm Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… nhằm mang đến nhiều khám phá mới về các bệnh di truyền và góp phần xây dựng phác đồ điều trị bằng liệu pháp gen, phát triển thuốc chữa bệnh dựa trên hệ gen người châu Á và Việt Nam...
Việc mã gen kết hợp với trí tuệ nhân tạo được thực hiện tại Trung tâm giải mã gen Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng với nền y học - khoa học của nước nhà; giúp các nhà khoa học trong nước tiếp cận nhanh nhất với những kết quả nghiên cứu về gen di truyền.
Chia sẻ về chi phí cho dịch vụ này, ông Tuấn cho biết hiện nay, các gói giải mã gen tại Genetica đã giảm còn 1/2 đến 1/3 so với gói xét nghiệm chất lượng tương tự tại Hàn Quốc hay Singapore.
Với lợi thế là một công ty toàn cầu, khi tham gia các chương trình tài trợ dành cho người dùng Việt Nam từ các quỹ phát triển toàn cầu, khách hàng sẽ chỉ còn phải chi trả từ 10 đến 25 đô la Mỹ cho các xét nghiệm gen, ông Cao Anh Tuấn cho hay.
Quan trọng hơn, kết quả giải mã gen của Genetica được chấp nhận trên toàn thế giới, giúp người dùng chỉ cần giải mã một lần mà ứng dụng được cả đời, và có thể sử dụng cho mục đích khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện lớn ở trong nước và nước ngoài.
Ông Cao Anh Tuấn hy vọng rằng hàng triệu người Việt Nam sẽ được tiếp cận giải mã gen dành cho trẻ em và người trưởng thành, mở ra xu hướng mới trong việc chăm sóc sức khỏe, giúp “cá nhân hóa” lựa chọn về dinh dưỡng, tập luyện, thay đổi lối sống, đánh giá nguy cơ và điều trị các bệnh di truyền.
Cần chính sách cởi mở hơn
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái Thành phố Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ mới đột biến, mô hình kinh doanh mới, tạo ảnh hưởng đến xã hội. “Vì vây, tư duy làm chính sách cần phải cởi mở hơn, chủ động chấp nhận những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Y tế và giáo dục đang là hai lĩnh vực nổi cộm hiện nay của Việt Nam do thiếu nguồn lực nên cần khuyến khích để có nhiều hơn nữa các startup cùng tham gia vào giải quyết bài toán này của thị trường. Nếu nói về vốn, các startup thường không lo thiếu vốn đầu tư mạo hiểm, vì thị trường vốn đầu tư mạo hiểm ngày nay là liên thông toàn cầu. Khó khăn của các startup là thể chế chính sách để các công nghệ và mô hình kinh doanh mới được thể nghiệm, không bị ràng buộc bởi các chính sách chúng ta đã xây dựng để quản lý các công ty truyền thống, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về phần mình, ông Cao Anh Tuấn cũng chia sẻ ba yếu tố để phát triển - đổi mới - sáng tạo cho các công ty khởi nghiệp. Đó là xây dựng đội ngũ nhân lực, kết nối với các cố vấn kinh nghiệm (Mentor) và bắt tay với các mạng lưới hỗ trợ (Peer coaching).
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Sự hợp sức từ các bên liên quan sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối, nắm bắt và gia tăng nguồn sức mạnh tài chính, tri thức và nhân lực, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, những nền tảng phát triển có ích cho cộng đồng.