Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điểm lại những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó có đóng góp quan trọng của toàn ngành lao động - thương binh và xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng năm 2019, ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá về xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động cùng 2 ưu tiên là giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong các lĩnh vực ngành phụ trách. Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm đã hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trước 1 năm. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống. Công tác giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng luôn được đặc biệt quan tâm, đã xem xét xác nhận cho hàng nghìn trường hợp thương binh, liệt sĩ; theo báo cáo của bộ, đã có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng…
Đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ có trách nhiệm nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trưởng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.
Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn; thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình; chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.
“Lãnh đạo Bộ và ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã rất quan tâm tới lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, ngành lao động - thương binh và xã hội có rất nhiều nhóm nhiệm vụ, phần lớn mang tính phối hợp, kết hợp như xóa đói, giảm nghèo, tạo lao động - việc làm… Thành tựu mà ngành lao động - thương binh và xã hội đạt được trong năm 2019 ngoài nhờ sự nỗ lực của ngành, còn nhờ sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức. Phó Thủ tướng cho rằng đó là điều rất đáng mừng, thể hiện nhận thức chung của toàn xã hội với tầm quan trọng của công tác lao động - thương binh và xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành tiếp tục phối hợp, kết hợp chặt chẽ với nhau, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, bộ đã ban hành chương trình công tác với 16 chỉ tiêu cụ thể và 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể. Với sự nỗ lực phấn đầu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực…
Năm 2020, toàn ngành lao động - thương binh và xã hội tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chính như: hoàn thiện, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi (sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thi hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục - đào tạo; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…