Doanh nghiệp Việt phải chủ động phòng vệ thương mại

Hội nhập kinh tế càng sâu, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với phòng vệ thương mại (PVTM) càng nhiều, đòi hỏi các DN Việt phải chủ động bảo vệ mình trong sân chơi hội nhập.


Cảnh báo này được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sản xuất trong nước" do Cục Quản lý Cạnh tranh phối hợp cùng Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 6/11.


DN “ngại” sử dụng PVTM


Có thể thấy, trong khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị áp dụng các biện pháp PVTM tại hầu hết các thị trường xuất khẩu thì tại thị trường nội địa, các DN Việt hầu như chưa có động thái nào để bảo vệ sản xuất trong nước.


Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết, trong khi phần lớn các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam rất thành thạo áp dụng các công cụ PVTM để bảo vệ hàng hóa trong nước thì các công cụ này vẫn còn khá xa lạ với các DN Việt Nam. Phần lớn các DN chưa biết sử dụng, hoặc đã biết nhưng chưa sử dụng được, hoặc đã sử dụng nhưng chưa đúng cách, không hiệu quả.


Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Thanh là do các DN chưa nhận thức được PVTM là một biện pháp t bảo vệ của các DN trong nước được Nhà nước quy định. Chính vì vậy DN chưa chủ động nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp PVTM để tự bảo vệ mình, chưa đầu tư về nguồn lực cũng như chưa quan tâm đúng mức về vấn đề này. Nhiều DN Việt Nam chưa nắm rõ quy định của Việt Nam, của WTO và các nước về PVTM, dẫn đến lựa chọn các biện pháp PVTM không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu bắt buộc của pháp luật, mất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị đơn kiện. Các DN còn bị giới hạn về nguồn lực và không đủ tiềm lực tài chính để thuê luật sư và theo đuổi vụ kiện PVTM. Các DN nhỏ không có tác động đến các DN khác cùng khởi kiện, thường mang tâm lý e ngại, né tránh tham gia các vụ kiện chính là những trở ngại trong quá trình yêu cầu áp dụng các biện pháp PVTM.

DN trong nước cần phải bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng vệ thương mại khi hội nhập kinh tế.


Bà Phạm Hương Giang, Phó trưởng phòng xử lí các vụ kiện PVTM của nước ngoài thuộc Cục quản lý cạnh tranh, cho biết, DN Việt đang phải chống đỡ với 100 vụ PVTM, trong đó có 59 vụ về bán phá giá, 38/59 vụ đang trong giai đoạn điều tra theo dõi, 6/12 vụ về lẫn tránh thuế chống bán phá giá, 3/7 vụ về chống trợ cấp, 9/20 vụ về tự vệ. Ngoài thị trường chính là Mỹ, EU các thị trường đang phát triển như Ấn độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Barxin cũng đang tích cực điều tra PVTM đối với hàng hoá của Việt Nam. Gần đây một số thị trường mới nổi trong khu vực Asean như Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng đang sử dụng công cụ này đển bảo vệ nền sản xuất của họ.


DN phải tự bảo vệ mình


Theo các chuyên gia kinh tế, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các công cụ PVTM được WTO chấp nhận sử dụng để bảo vệ nền sản xuất của mỗi quốc gia. Đây cũng là hàng rào cuối cùng bảo vệ sản xuất và hàng hóa trong nước. Ở nhiều nước trên thế giới, các biện pháp PVTM được các DN áp dụng như một chiến lược kinh doanh để bảo vệ thị trường nội địa. Vì vậy, đã đến lúc các DN Việt cần sử dụng những công cụ này để bảo vệ hàng hóa của mình.


Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục quản lí cạnh tranh - Bộ Công thương cho biết, khi nền kinh tế suy thoái, các nước tăng cường biện pháp bảo vệ nền sản xuất trong nước bằng biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó khi càng tự do thương mại bao nhiêu thì DN Việt càng phải chuẩn bị đầy đủ công cụ để ứng phó trong quá trình hội nhập. Chúng ta có 3 pháp lệnh về PVTM như pháp lệnh chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được ban hành từ những năm 2002-2004, tuy nhiên vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm tới vấn đề này. Vì vậy để bảo vệ chính mình trước sân chơi hội nhập, trước hết các DN cần nâng cao hiểu biết về PVTM, chủ động thu thập thông tin về các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cũng như các nhà sản xuất trong nước, tăng cường phối hợp giữa các DN cùng ngành, tham vấn các cơ quan điều tra về việc áp dụng các biện pháp PVTM khi cần thiết...


Bên cạnh những nỗ lực tự bảo vệ mình từ các DN, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội. Bởi vai trò của hiệp hội rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa DN và Chính phủ. Đối với các nước phát triển như Hoa Kỳ và EU, các hiệp hội chính là nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu Chính phủ phải áp dụng các biện pháp PVTM. Tuy nhiên ở Việt Nam vai trò của các hiệp hội còn khá lu mờ. Nhiều hiệp hội, ngành hàng còn quá yếu chưa đủ khả năng tập hợp các DN cùng khởi kiện, nên DN Việt thường thua thiệt trong các vụ kiện./.


Hoàng Tuyết (Báo Tin tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN