Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết: Giai đoạn 2018-2019, du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh vượt bậc với tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ trong năm 2019 đạt 8,04 triệu lượt, tăng 23,2% so với năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt 3,24 triệu lượt, tăng 24,7%, khách nội địa đạt 4,79 triệu lượt, tăng 22,3%; doanh thu lưu trú, lữ hành đạt 8,65 ngàn tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2018. Tính đến năm 2019, du lịch đã cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên du lịch thành phố Đà Nẵng phải chịu những thiệt hại nặng nề trong 2 năm liên tiếp (2020 - 2021). Đến năm 2021, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt 1,19 triệu lượt, giảm 55% so với năm 2020; trong đó khách nội địa đạt 1,1 triệu lượt, giảm 42,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành đạt hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, giảm 37,7% so với năm 2020.
So sánh với thời điểm năm 2019 khi chưa xuất hiện dịch bệnh, lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2021 giảm 85,2%, trong đó khách nội địa giảm 77%, khách quốc tế giảm 97,2%, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 71%, công suất buồng phòng giảm 90%.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, tại thành phố, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp ước khoảng 3,2 tỷ USD khi đầu tư vào các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, xe vận chuyển, taxi, tàu thuyền du lịch... vì phải ngừng khai thác. Đến hết năm 2021, khoảng 80% doanh nghiệp du lịch vẫn tạm dừng hoạt động sau gần 2 năm chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Khoảng 80% tương đương với khoảng 42.000 lao động trực tiếp ngành du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan đến du lịch đã, đang thất nghiệp và chuyển sang làm ngành nghề khác…
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, thực hiện các chính sách phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường, tính đến tháng 3/2022 đã có khoảng 800 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ gần 50%); trong đó có 400 cơ sở lưu trú du lịch với 17.000 phòng (chiếm 38% tổng số phòng), 15/16 khu điểm du lịch, 190 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch, 18/21 tàu du lịch.
Theo Giám đốc Sở Trương Thị Hồng Hạnh, kể từ ngày 15/3, sau khi được mở cửa đón khách du lịch trở lại, chỉ trong thời gian rất ngắn (chưa đầy 1 tháng), thành phố đã tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện và công bố các sản phẩm mới thu hút khách như: Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội khinh khí cầu; tổ chức đón 2 đường bay quốc tế đầu tiên từ Singapore và Thái Lan; ra mắt Sàn giao dịch du lịch trực tuyến và tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasticity; tổ chức họp báo công bố Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia 2022)…
Kết quả, lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 3/2022 đạt 109,8 nghìn lượt, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; lượng khách do các đơn vị lữ hành phục vụ đạt 3,8 nghìn lượt, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 3/2022 đạt 1.084,4 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước đó.
Đáng chú ý, với chính sách thu hút khách M.I.C.E hiệu quả của thành phố, Đà Nẵng đã đón được 4.241 khách du lịch M.I.C.E, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tại buổi làm việc, các đại biểu của Đoàn khảo sát và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng đại diện các Sở, ngành thành phố đã có những trao đổi, kiến nghị, đề xuất về những khó khăn, vướng mắc trong việc phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch Đà Nẵng trong điều kiện bình thường.
Thành phố Đà Nẵng đã có các kiến nghị, đề xuất như: Đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một số bất cập trong Luật Du lịch liên quan đến hoạt động kinh doanh Cơ sở lưu trú du lịch và hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ, vui chơi giải trí, thể thao dưới nước... có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của du khách; đề xuất Quốc hội sớm có quy định quản lý loại hình căn hộ, biệt thự riêng lẻ nằm trong cụm căn hộ biệt thự được bán cho nhà đầu tư thứ cấp, nhà đầu tư thứ cấp tự bán dịch vụ lưu trú qua các trang mạng không đảm bảo các điều kiện phục vụ khách và trốn thuế; đề xuất điều chỉnh Luật Thống kê nhằm tính đúng và tính đủ các chỉ tiêu đối với hoạt động du lịch như là hoạt động kinh tế để thấy rõ đóng góp của du lịch, làm cơ sở xác định nguồn lực đầu tư công cho phát triển du lịch phù hợp…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn chia sẻ, sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, du lịch thành phố đã trở lại sôi động và khởi sắc rõ rệt. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận định từ tháng 6/2022 trở đi, số doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại sẽ nhiều hơn và kéo theo các ngành khác cùng phát triển trở lại.
Theo ông Trần Phước Sơn, thành phố sẽ cố gắng, nỗ lực để khôi phục lại hoạt động du lịch bằng việc kết nối, hợp tác với các tỉnh, thành phố khác trong việc phát triển du lịch; kết nối thông qua con đường ngoại giao, các lãnh sự quán các nước và các thành phố kết nghĩa để quảng bá, xúc tiến các hoạt động mở cửa lại du lịch của thành phố. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường công tác phòng, chống dịch với các biện pháp phù hợp với tình hình mới; sẽ định hướng mở ra thêm nhiều sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm du lịch hiện có để thu hút du khách trở lại.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thành phố Đà Nẵng đã có những định hướng đúng trong việc khôi phục lại và đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng thành phố Đà Nẵng đã có những điều chỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động phù hợp và chọn đúng thời điểm để mở cửa trở lại du lịch; đồng thời thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để phục hồi và phát triển du lịch của địa phương. Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của thành phố Đà Nẵng và sẽ hoàn thiện để báo cáo với Quốc hội trong thời gian tới.