Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
Đối với vùng đồng bằng, Chương trình đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa, hoặc trung tâm văn hóa-nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; 80% gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, biên giới, Chương trình nêu rõ mục tiêu phấn đấu 70% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa, hoặc trung tâm văn hóa - nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 70% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao; 50% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương giữ vững danh hiệu văn hóa, tiêu biểu; 60% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 60% gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ triển khai xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên để văn hóa thực sự là động lực, đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, an toàn ở địa bàn dân cư; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Chương trình nêu rõ việc phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Chương trình tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, kinh tế, xã hội…