Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có: Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga; đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị một số tỉnh, thành phố, một số đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội...
Về phía khách quốc tế có: Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Pallab Sengupta; Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình Thế giới Athanasios Pafilis; Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình Thế giới Iraklis Tsavdaridis; trên 90 đại biểu và khách mời quốc tế là đại diện các tổ chức: Đoàn kết nhân dân Á - Phi, Liên đoàn Thanh niên dân chủ Thế giới, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Liên hiệp Công đoàn Thế giới, Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị...
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã gửi thông điệp chào mừng tới hội nghị.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến dự Hội nghị Hòa bình Hà Nội - sự kiện có ý nghĩa quan trọng được tổ chức nhân dịp Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới tại Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam chia sẻ, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh để được sống trong hòa bình, được tự do mưu cầu hạnh phúc luôn là ước vọng thiêng liêng, cao cả và nhân văn nhất của loài người. Đó chính là lý do mà Liên hợp quốc được thành lập ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và hệ thống luật pháp quốc tế được xây dựng và không ngừng được củng cố trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu của các dân tộc, của các lực lượng hòa bình trên thế giới, trong đó có Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên. Tuy nhiên, tình hình thế giới ngày nay đang đối diện với nhiều biến động lớn như suy thoái kinh tế, xung đột, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống khác.
Ông Uông Chu Lưu cho biết, thế kỷ XXI đánh dấu sự nổi lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tư cách là trung tâm kinh tế ngày càng quan trọng của thế giới, là một địa bàn cạnh tranh chiến lược. Để duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực này, các nước cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, không có các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng làm gia tăng căng thẳng. Bên cạnh đó cần chấm dứt chạy đua vũ trang, thúc đẩy phi quân sự hóa nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự tại khu vực; hình thành các thỏa thuận và cơ chế tập thể hữu hiệu để bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên liên quan.
Thay mặt Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Uông Chu Lưu bày tỏ mong muốn Hội đồng Hòa bình Thế giới tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, thống nhất giữa các tổ chức thành viên; đồng thời mở rộng liên kết, tập hợp rộng rãi hơn nữa các lực lượng dân chủ tiến bộ đấu tranh cho hòa bình, hợp tác và phát triển công bằng, bền vững trên thế giới; tăng cường các sáng kiến và đẩy mạnh các hoạt động phản đối chiến tranh, ngăn ngừa xung đột, ngăn chặn chạy đua vũ trang, đòi xoá bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt, đoàn kết với nhân dân các nước đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; thúc đẩy việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Ông Uông Chu Lưu đồng thời bày tỏ sự biết ơn chân thành của Ủy ban Hòa bình Việt Nam và nhân dân Việt Nam đối với Hội đồng Hòa bình Thế giới, các tổ chức dân chủ, tiến bộ quốc tế và các tổ chức thành viên Hội đồng về sự đoàn kết, ủng hộ quý báu đã và đang dành cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là sự ủng hộ của Hội đồng Hòa bình Thế giới đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Hội nghị Hòa bình Hà Nội được tổ chức tiếp nối thành công tốt đẹp của các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới, nhằm tạo ra một diễn đàn để các đại biểu cùng nhau thảo luận, đánh giá một cách cởi mở, tích cực, khách quan về tình hình chính trị - an ninh đã và đang diễn ra, tác động đến hòa bình, ổn định và an ninh con người trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu về các hoạt động hòa bình tại các quốc gia, qua đó đóng góp thiết thực cho phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, các đại diện của các tổ chức quốc tế như: Liên hiệp Công đoàn Thế giới, Liên đoàn Thanh niên dân chủ Thế giới, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Hội Luật gia dân chủ quốc tế... thống nhất cho rằng Đại hội 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới là một sự kiện quan trọng của mọi người dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất là trong bối cảnh thế giới đang trải qua các bất ổn về kinh tế, chính trị, môi trường... Chứng kiến hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, sống trong nghèo đói, thất nghiệp... vì chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, thiên tai, mỗi người càng khẳng định quyết tâm bảo vệ lợi ích của người dân; cần nâng cao nhận thức toàn cầu về tính cấp thiết của việc ngăn ngừa chiến tranh và các hình thức đối xử bất công khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để chống lại chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới.
Bà Socorro Gomes Coelho, nguyên Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới kêu gọi các lực lượng yêu chuộng hòa bình coi nhiệm vụ bảo vệ hòa bình như một nghĩa vụ. Do đó cần tăng cường gấp đôi năng lực, đóng góp tối đa cho nỗ lực chung của toàn nhân loại để được hòa bình, ổn định, thịnh vượng trên toàn thế giới như Chủ tịch Fidel Castro, lãnh tụ vĩ đại của Cuba đã nói “Chúng ta cần tất cả mọi người không phân biệt màu da, tôn giáo, tuổi tác, nơi sinh... đoàn kết cùng xây dựng, bảo vệ hòa bình ổn định, công bằng cho tất cả người dân trên thế giới”.