Đoàn kết cùng tiến đến Điện Biên Phủ

Tăng cường phối hợp


Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến 19/2/1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Đồng chí Kay xỏn Phômvihản, Trưởng đoàn đại biểu Lào tham gia Đoàn Chủ tịch đại hội. Bàn về quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa cách mạng ba nước Đông Dương, Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trước Đại hội nhấn mạnh: Việt Nam kháng chiến, Lào, Campuchia cũng kháng chiến; thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù chung của cả ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Do đó, Việt Nam phải ra sức giúp đỡ Lào, Campuchia kháng chiến và đi đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia. Trong Đại hội, các báo cáo phân tích: Đông Dương là một chiến trường; làm rõ âm mưu ra sức củng cố Lào, Campuchia làm căn cứ kéo dài chiến tranh để chống lại cách mạng Việt Nam của thực dân Pháp và yêu cầu thống nhất lực lượng, thống nhất hành động giữa ba dân tộc để đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng.


 

Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Ngày 11/3/1951, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương khai mạc tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Các đại biểu đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, của Mặt trận Lào Ítxala, của Mặt trận Khơme Ítxarắc đã thảo luận và nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia, cùng nhau đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương. Đây là đòn giáng mạnh mẽ vào chính sách “chia để trị” của bọn thực dân, đế quốc.


Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân và cùng với sự đoàn kết và phối hợp của Việt Nam, trong hai năm 1951 - 1952 cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đã giành được kết quả quan trọng về mọi mặt. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu liên tục, dẻo dai trên khắp các địa bàn Thượng, Trung và Hạ Lào. Kết quả hoạt động phối hợp giữa Việt Nam và Lào trong hai năm 1951 - 1952 đã góp phần tạo thêm thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết để phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt - Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.


Đầu năm 1953, sau thất bại ở mặt trận Tây Bắc (Việt Nam), thực dân Pháp tăng cường lực lượng ở Sầm Nưa để bảo vệ khu vực Thượng Lào. Có đập tan được căn cứ Sầm Nưa, giải phóng Thượng Lào, Việt Nam mới có điều kiện phối hợp với Lào mở rộng khu căn cứ, xây dựng hậu phương kháng chiến và phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương. Tháng 4/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội Việt Nam phối hợp với quân đội Lào Ítxala phối hợp tiến công và giành thắng lợi, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến của Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam và Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên một bước mới.


Cắt đứt “con đường chiến lược” của Pháp


Bước vào Đông Xuân 1953 - 1954, quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tiếp tục đẩy mạnh tiến công trên khắp các chiến trường, buộc thực dân Pháp phải thực thi kế hoạch Na-va. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra phương châm “Tích cực, chủ động, linh hoạt” và thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 nhằm đẩy mạnh kháng chiến ở Việt Nam và tăng cường phối hợp với quân dân Lào giải phóng Phôngxalỳ, đánh địch ở Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.


Tháng 12/1953 một bộ phận quân chủ lực Việt Nam gồm ba trung đoàn phối hợp với bộ đội Lào Ítxala và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ Lào. Chiến thắng của Liên quân Việt - Lào góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến trường, tạo điều kiện củng cố, phát triển thế phối hợp chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Lào.


Trên chiến trường chính, từ đầu tháng 12/1953, trước sức tiến công của bộ đội chủ lực Việt Nam, quân Pháp phải bỏ Lai Châu, rút về cố thủ ở Điện Biên Phủ. Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho quân và dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào.


Từ cuối tháng 1/1954, quân đội Việt Nam phối hợp với đại đội Chăm Pa Xắc, đại đội địa phương tỉnh Luổng Phạ Bang và bốn trung đội bộ đội địa phương huyện của Lào tiến công phòng tuyến sông Nậm U, cắt đứt “con đường liên lạc chiến lược” của địch với Điên Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch đã đẩy tập đoàn cứ điểm của địch vào thế hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.


Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ 300 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được sau chiến thắng Thượng Lào và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được của địch ở Ba Na Phào.


Thắng lợi của khối đoàn kết


Ngày 7/5/1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công đó đã đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp được Mỹ viện trợ, giáng một đòn quyết dịnh vào ý chí xâm lược của bọn thực dân, đế quốc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mà Việt Nam làm trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung. Từ đây, cục diện chiến tranh Đông Dương chuyển sang thế có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ.


Do những thắng lợi vang dội của quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh điểm là chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh đang sôi sục trên toàn thế giới, ngày 21/7/1954, đối phương phải ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước.

 

Dr. Bountheng Souksavatd (Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào)

 

------------
Tít bài và các tít nhỏ do Tòa soạn đặt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN