Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, Trà Vinh có trên 1 triệu người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 31,5%. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào thiểu số nên tình hình kinh tế, đời sống vật chất của đồng bào Khmer ở địa phương cơ bản ổn định và từng bước phát triển.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số từ năm 2012-2018, Trà Vinh đã huy động từ Trung ương, địa phương, tranh thủ các nguồn lực từ các dự án đang triển khai trên địa bàn, các nguồn vốn lồng ghép… tổng số tiền hơn 6.925 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào thiểu số nâng cao đời sống mọi mặt.
Đồng bào Khmer trong tỉnh được thụ hưởng nhiều chính sách, như: chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề các huyện nghèo và chính sách nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn…
Kết quả rà soát từ năm 2012-2018, toàn tỉnh có gần 37.000 hộ thoát nghèo, trong đó có hơn 19.000 hộ dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2012-2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,26%/năm, giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,74%/năm.
Đến cuối năm 2018, tỉnh còn hơn 16.000 hộ nghèo, giảm 2,46% so với cuối năm 2017; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4,4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh hiện đạt 43,65 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số địa phương vùng có đông đồng bào dân tộc, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm so với với độ chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tay nghề lao động của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.
Đồng bào Khmer chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, sạt lở… ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Tỉnh Trà Vinh kiến nghị Trung ương bổ sung đối tượng hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng chính sách nhà ở như hộ nghèo để đảm bảo thoát nghèo bền vững; kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế phối hợp tập trung nguồn lực, giúp địa phương sử dụng nhiều nguồn lực để thực hiện cùng một chương trình, dự án, tiểu dự án không bị vướng khâu giải ngân, quyết toán.
Địa phương cũng kiến nghị Trung ương rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp nhiều chính sách và tập trung đầu mối quản lý; cơ chế quản lý vận hành các chính sách cần đơn giản, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Trà Vinh. Đây là cơ sở để Trung ương ban hành chính sách đạt hiệu quả cao, phát huy được tiềm năng lợi thế và đáp ứng được nhu cầu đối tượng hưởng lợi, phù hợp tình hình thực tế, tính đặc thù địa phương.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những nỗ lực thực hiện Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Trà Vinh. Cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương kịp thời, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở Trà Vinh chưa có kết quả đột phá.
Bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý tỉnh Trà Vinh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo không ỷ lại; triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chính sách liên quan hỗ trợ kịp thời trong vùng đồng bào dân tộc.
Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra giám sát, đánh giá chương trình, chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo… Các địa phương tích cực tham mưu, đề xuất kịp thời với lãnh đạo tỉnh về những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai….
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đại diện Đoàn giám sát và chỉ đạo các sở, ngành tỉnh liên quan, UBND các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách về giảm nghèo của Bộ, ngành Trung ương, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tập trung lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn đạt hiệu quả.
Trước đó, ngày 20/3, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND các huyện Trà Cú và Cầu Ngang; trao tặng 100 suất học bổng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại hai huyện này.