Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh lấy ý kiến đóng góp vào 3 dự án luật

Chiều 7/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào 3 dự án luật trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV gồm: Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng báo cáo khái quát những nội dung chính của các dự thảo luật; nhấn mạnh những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết của 3 dự án luật nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của tòa án, giám định tư pháp và xây dựng. Đồng thời, đại biểu nhất trí với nội dung, bố cục của các dự thảo luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các dự thảo luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.

Đối với Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các ý kiến tập trung vào nội dung liên quan tên gọi của luật, nguồn kinh phí chi trả thù lao cho hòa giải viên; mối quan hệ giữa tòa án và hòa giải viên; thủ tục, trình tự hòa giải... Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo quy định ngoài những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì các đối tượng là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới được bổ nhiệm làm hòa giải viên (dự thảo quy định 10 năm). Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định nhiệm kỳ của hòa giải viên là 5 năm (dự thảo quy định 3 năm); giao thẩm quyền bổ nhiệm hòa giải viên cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; quy định cụ thể, nếu vụ việc có nhiều nội dung mà chỉ hòa giải được từng phần thì khi xét xử cần công nhận phần đã hòa giải thành đó.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, các ý kiến tập trung vào nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ quan giám định tư pháp, thời hạn giám định... Đại biểu đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về thời gian giám định đối với từng loại vụ việc để bảo đảm chất lượng công tác xử lý án; cân nhắc kỹ càng về việc thành lập cơ quan giám định tư pháp ngoài công lập vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, nếu không quản lý tốt có thể dẫn đến sai phạm.

Với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các ý kiến tập trung góp ý về phạm vi điều chỉnh, thẩm định dự án đầu tư, cấp phép, quản lý trật tự xây dựng... Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định đối với các trường hợp container đặt trên đất nhưng được sử dụng với công năng, mục đích như nhà ở; việc quy định nhiều cấp công trình như trong dự thảo gây khó khăn cho công tác quản lý, đề nghị quy định thống nhất về cấp công trình; quy định về điều kiện năng lực chủ đầu tư. Về thẩm định thiết kế, hiện việc thẩm định đối với công trình cấp 1 chuyển về bộ, công trình cấp 2 thuộc tỉnh. Thực tế, công trình cấp 1 thuộc tỉnh rất nhiều, nếu công trình cấp 1 của 63 tỉnh, thành phố đều thuộc bộ thẩm định sẽ gây ùn ứ. Các ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền thẩm định công trình cấp 1 thuộc tỉnh; Bộ chỉ thẩm định công trình xây dựng cấp đặc biệt.

Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tiếp thu, tập hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ hoàn thiện các Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Thanh Thương (TTXVN)
Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Chiều 5/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 5 đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, tại huyện Đan Phượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN