Trong các ngày từ 24/10-2/11, đoàn đại biểu Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp (CCTP) Trung ương do bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương dẫn đầu đã có chuyến thăm làm việc tại Anh nhằm nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của Anh trong hoạt động tư pháp.
Đoàn đại biểu Ban Chỉ đạo CCTP làm việc tại trường Luật và Khoa học Xã hội thuộc UEL. |
Đoàn đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tòa án Tối cao và Thượng viện Anh, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với giới luật gia Anh cũng như lãnh đạo và giảng viên trường Luật và Khoa học Xã hội thuộc Đại học Đông London (UEL).
Trả lời phóng viên TTXVN tại London, bà Lê Thị Thu Ba cho biết qua các cuộc làm việc và trao đổi, tiếp xúc, đoàn đã thu được nhiều kinh nghiệm của nước bạn về quyền tư pháp, mô hình tố tụng tranh tụng, ban hành án lệ - nguồn chính của pháp luật Anh, đào tạo và bổ nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, thẩm phán, công tố.. Bà Lê Thị Thu Ba khẳng định sau Nghị quyết số 49- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ban hành ngày 2/6/2005 đến nay đã hơn 9 năm, quá trình thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Hiến pháp năm 2013 để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong thời gian tới, nhiều luật, bộ luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp sẽ được Quốc hội lần lượt xem xét thông qua như Luật tổ chức Tòa án, Luật tổ chức Viện Kiểm sát, Luật tổ chức Điều tra hình sự nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa và thực hiện trên thực tế các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp được Nghị quyết 49-NQ/TW đề ra.
Bà Lê Thị Thu Ba và Hiệu trưởng trường Luật và Khoa học Xã hội Sharon Levy. |
Bà Lê Thị Thu Ba cũng cho biết một trong những ưu tiên trong cải cách tư pháp hiện nay là đổi mới mô hình tố tụng, theo đó kế thừa những yếu tố hợp lý của mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với các yếu tố tiến bộ của mô hình tố tụng tranh tụng (mà Anh là nước tiên phong thực hiện) để tạo ra một mô hình tố tụng phù hợp với yêu cầu của nước ta. Mô hình tố tụng mới sẽ khắc phục được những hạn chế của mô hình tố tụng hiện nay, tạo điều kiện cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được minh bạch, khách quan, dân chủ, công bằng, thực hiện được yêu cầu tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân hiệu quả hơn. Theo bà, mô hình tố tụng mới cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện đội ngũ cán bộ tư pháp, luật sư và bổ trợ tư pháp, nâng cao năng lực chuyên môn, cả về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Buổi gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo và giảng viên trường Luật và Khoa học Xã hội cùng một số luật sư có uy tín của Anh đã giúp đoàn có cái nhìn bao quát và sát thực hơn về mô hình đào tạo nhân lực làm việc trong ngành luật cũng như hoạt động tư pháp của nước bạn.
Tin, ảnh: Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)