Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án 103) làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam nhằm khảo sát chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế và tình hình hoạt động của Hội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và quy chế hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam.
Theo đó, trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Khuyến học Việt Nam đã nghiêm chỉnh chấp hành và triển khai các Nghị định, quyết định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ… Qua các kỳ Đại hội, Hội đã triển khai các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao thông qua 10 nhiệm vụ được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội các nhiệm kỳ.
Hội đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, đề xuất, tham mưu, phản biện với cấp ủy và chính quyền các cấp về chỉ đạo hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đến nay, Hội đã có hơn 22,5 triệu hội viên, chiếm xấp xỉ 22% dân số. Tổ chức Hội đã phủ kín đến cấp xã, bám sâu vào cộng đồng dân cư; phát triển trong các trường cao đẳng, đại học và hệ thống các trường phổ thông; một số cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp…
Qua 7 năm thực hiện xây dựng, phát triển 4 mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ cộng đồng đến năm 2020”, Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Tính đến năm 2020 cả nước có hơn 16,6 triệu gia đình học tập, vượt 2,11%; hơn 84.700 dòng họ học tập, vượt 16,51%; hơn 48.600 đơn vị học tập, vượt 35,73%; hơn 89.000 cộng đồng học tập, vượt 5,38%. Qua thực hiện các mô hình học tập, tinh thần học tập suốt đời của nhân dân được nâng cao.
Trong 5 năm qua, Quỹ Khuyến học, Khuyến tài đã huy động được hơn 4,7 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ học bổng cho cả người lớn và trẻ em, những người tự học thành tài, trẻ em mồ côi vươn lên học tập tốt… Hiện Hội có hai danh hiệu thi đua khen thưởng có sức lan tỏa lớn Học bổng “Học không bao giờ cùng” và giải thưởng “Nhân tài đất Việt”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam; đồng thời đề xuất một số giải pháp, kiến nghị.
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như: Cần có hướng dẫn thống nhất trong cả nước về quản lý nhà nước đối với Hội và hướng dẫn về tổ chức mô hình Hội đặc thù để tránh tình trạng Hội Trung ương thì được xác định là đặc thù, Hội tỉnh, thành có nơi được xác định, nơi không được xác định là đặc thù…
Việc này gây khó khăn cho việc đề xuất triển khai nhiệm vụ và hỗ trợ cho chính sách cán bộ Hội cũng như hoạt động của Hội; cần tăng cường kinh phí để bảo đảm cho Hội hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Đảng, Nhà nước cần quan tâm, có chế độ, chính sách hợp lý cho lãnh đạo, cán bộ chuyên trách hoạt động tại các Hội đặc thù được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đồng thời, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội cho phù hợp với thực tiễn để động viên và quản lý Hội tốt hơn…
Kết luận buổi làm việc,Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài biểu dương Trung ương Hội và các cấp hội trong thời gian qua đã làm tốt công tác dân vận khéo để vận động được số lượng hội viên đa dạng, lớn nhất trong tất cả các hội trong cả nước. Hội Khuyến học Việt Nam là một Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và có một vị trí, sứ mệnh vô cùng quan trọng; luôn là lá cờ đầu trong tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Các hoạt động của Hội đã góp phần to lớn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Chia sẻ với những khó khăn các cấp Hội đang gặp phải, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cho biết sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc để tổng hợp. Sau khi kết thúc khảo sát tại các địa phương, đoàn công tác sẽ có báo cáo, đánh giá trung thực, khách quan nhất trình Ban Bí thư có kết luận về vấn đề mô hình hoạt động của các Hội đặc thù.