Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, những ngày qua, địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông với khối lượng hàng nghìn mét khối đất, đá. Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu và Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có mặt tại hiện trường để khảo sát thực trạng, tìm phương án khắc phục, đảm bảo giao thông nhanh nhất.
Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, sụt lún nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tại km 3+600 Quốc lộ 4H (đoạn thuộc huyện Mường Chà), lượng lớn đất đá từ taluy dương sạt xuống mặt đường khiến xe ô tô không thể lưu thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mường Chà đã phối hợp với Công ty Đường bộ 2 khắc phục sự cố.
Trên Quốc lộ 6, vào khoảng 8 giờ ngày 5/8, tại km 421 (địa phận bản Co Ngựu, xã Mương Mùn, huyện Tuần Giáo), sạt lở đất đá làm hai vách taluy dương đổ xuống mặt đường khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, tuyến đường tạm thời cơ bản thông xe sau nỗ lực khắc phục của cơ quan chức năng. Km 180 Quốc lộ 12 (đoạn thuộc huyện Điện Biên) xuất hiện tình trạng sạt lở taluy âm nguy hiểm. Lực lượng chức năng đã tiến hành rào chắn và gắn biển cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 5/8, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 30/7 đã gây ngập úng hàng trăm căn nhà và nhiều tuyến đường giao thông. Địa phương cũng ghi nhận tình trạng sụt lún đất bất thường tại các huyện Tuy Đức, Đắk G’long, thành phố Gia Nghĩa… Các ngành chức năng đã di dời hơn 150 hộ dân khỏi các vùng sạt lở, vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Toàn tỉnh có hai trường hợp bị nước lũ cuốn và tử vong.
Thống kê 7 tháng qua, địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra các loại hình thiên tai chủ yếu là mưa lớn kèm lốc xoáy, sạt lở đất gây hậu quả nặng nề, làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Thiên tai khiến hơn 200 căn nhà bị hư hỏng, gần 200 ha cây trồng bị thiệt hại, nhiều cầu dân sinh, công trình thủy lợi, đường giao thông bị ảnh hưởng. Đáng chú ý là liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, bờ taluy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản như các vụ sạt lở đất trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong tháng 6, sạt lở tại đèo Bảo Lộc (thuộc Quốc lộ 20) vào ngày 30/7.
Nguy cơ sạt lở cao ở nơi có độ dốc sườn lớn
Đánh giá về nguyên nhân sạt lở đất diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua, Tiến sỹ Đào Minh Đức, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, trượt lở đất là một trong những loại hình thiên tai phổ biến nhất trên thế giới và Việt Nam. Ba phần lãnh thổ Việt Nam thuộc khu vực miền núi, có địa hình sườn dốc cao, hoạt động phát triển kinh tế- xã hội chưa được quy hoạch hợp lý, các hiện tượng trượt lở đất, lũ bùn đá và lũ quét thường xảy ra.
Các khu vực miền núi, trung du ở Việt Nam, điển hình là Sapa, Lào Cai hay Lâm Đồng đều là vùng núi với độ dốc địa hình dao dộng trung bình từ 15- 25 độ chiếm trên 50%, đất dốc trên 25 độ chiếm gần 50%. Đồng thời, địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao từ 200 - 1.500 m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa, đất có độ dốc cao. Kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa lớn kéo dài.
Tiến sỹ Đào Minh Đức, Viện Địa chất lý giải thêm, thời gian gần đây, để mở rộng diện tích xây dựng, người dân đào đất dốc để dựng nhà mà không chú ý tới đặc điểm và tính chất cơ lý đất đá dẫn tới rất nhiều trường hợp nhà ở ngay cạnh những khu đất dốc có khả năng mất ổn định cao. Một số trường hợp, giải pháp gia cố mái taluy của người dân không được tính toán phân tích phù hợp nên đã gây ra những sự cố như tại phường 10 thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng hay sập bờ kè tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh... Đây là hiện tượng rất phổ biến đã được nhiều cơ quan chuyên môn cảnh báo nhưng chưa thực sự được quan tâm. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện nhỏ lẻ ở trong các khu dân cư mà còn diễn ra tại hầu khắp các công trình phát triển hạ tầng nhất là các tuyến đường giao thông miền núi, công trình thủy lợi, thủy điện.
Sử dụng sườn dốc đồi núi để sản xuất nông lâm nghiệp cũng là yếu tố tác động mạnh đến khả năng trượt đất đá. Kết quả chồng chập các vị trí trượt lở và sơ đồ thảm thực vật của khu vực nghiên cứu cho thấy, đối tượng có ảnh hưởng nhiều nhất đối với hiện tượng trượt lở là rừng sản xuất, đặc biệt là cây keo lai.
Thống kê tại khu vực miền núi Quảng Nam cho thấy, 63% điểm trượt lở liên quan đến rừng trồng cây keo lai. Do đặc điểm trồng và khai thác cây keo lai, bề mặt đất luân phiên được che phủ hoặc để trống trong những khoảng thời gian nhất định. Dưới tác động của dao động nhiệt độ, mưa và hoạt động vận chuyển, các khe nứt tách sẽ được hình thành và phát triển trên đất dốc, tạo tiền đề cho sự phát triển các khối trượt lớn.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu dẫn tới sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành trượt đất đá. Với diễn biến mới đầu mùa mưa của năm 2023 cho thấy một số nơi xuất hiện nắng nóng kỷ lục, số lượng bão đổ vào miền Bắc giảm rõ rệt, lượng mưa diện rộng và cường độ mưa nhiều nơi tăng đột biến. Xâu chuỗi từ các vấn đề trên cho thấy, trong sự hình thành, phát triển tai biến trượt đất đá, các hoạt động nhân sinh đóng vai trò quan trọng nhất cùng với sự tác động của các hình thế thời tiết cực đoan.
Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, độ dốc sườn là nhân tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến trượt lở đất, các nhân tố còn lại như: lượng mưa, hướng sườn, đứt gãy sông suối, thổ nhưỡng, lớp phủ ứng với mức độ nhạy cảm đến khả năng gây ra tai biến trượt lở đất khác nhau. Trong đó, yếu tố hướng sườn liên quan đến khả năng tiếp nhận ánh sáng mặt trời, gió và lượng mưa. Từ đó, ảnh hưởng gián tiếp đến các nhân tố khác gây ra trượt lở đất như độ ẩm đất, thảm phủ, tầng dày đất. Yếu tố lớp phủ như thảm phủ thực vật và rừng có vai trò là lớp phủ che chắn và hạn chế sự xói mòn đất, rễ thực vật làm tăng độ kết dính trong đất.
Hiện tượng thiên tai gây hậu quả nặng nề như thời gian qua chủ yếu là do lượng mưa trung bình của tỉnh Lâm Đồng luôn cao hơn cả nước (từ 1.750 - 3.150 mm/năm). Tuy nhiên, chỉ riêng 7 tháng qua, lượng mưa đã đạt 1.219 mm/năm (tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước và gần bằng lượng mưa trung bình của cả nước, từ 1.500 - 2.000 mm/năm). Một số thời điểm lượng mưa đo được tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc (Lâm Đồng) rất cao, từ 100 - 190 mm/ngày khiến cho nền đất bị yếu, dễ gây sạt lở.