Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn. |
Từ vị trí thứ 7 của 2 năm trước, Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 3 trong xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính, thưa ông, vì sao Hà Nội cải thiện thứ hạng nhanh như vậy?
Công tác cải cách hành chính trong những năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND và các đoàn thể của thành phố Hà Nội rất quan tâm. Có thể nói, toàn bộ hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc một cách hiệu quả. Thành ủy đã ra nhiều chương trình chỉ đạo về công tác cải cách hành chính và UBND thành phố cũng có nhiều biện pháp tăng cường chỉ đạo, điều hành, rút kinh nghiệm chỉ số cải cách hành chính những năm trước. Thành phố đã rà soát đánh giá lại những lĩnh vực, những tiêu chí chưa được hoàn thiện để có chỉ đạo điều hành tập trung, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn. Công tác chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả Hà Nội được xếp thứ hạng cao trong năm 2014.
Ông có hài lòng với kết quả này không?
Cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để phục vụ cho nhân dân được tốt hơn, từng bước nâng cao hiệu quả chất lượng phục vụ của nền hành chính quốc gia là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, trọng tâm xuyên suốt và cần phải có sự nỗ lực cố gắng thường xuyên. Chúng tôi rất vui với kết quả cải cách hành chính năm 2014 nhưng cũng nhận thức được để tiếp tục duy trì, phát huy, nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc là một thách thức. Trong xu thế phát triển, thành phố phải duy trì những kết quả đạt được, phát huy được những thành tích, khắc phục kịp thời những khó khăn, hạn chế, yếu kém để công việc tốt hơn, phục vụ tốt hơn, người dân hài lòng hơn. Đó là mục tiêu thành phố đặt ra trong những năm tới…
Hà Nội sẽ làm gì để giữ vững và cải thiện được thứ hạng trong năm 2015, thưa ông?
Có rất nhiều giải pháp để phát huy được các kết quả đã đạt được, nhưng quan trọng đây không phải là kết quả để tự vui mừng, tự hài lòng với nhau, lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định, kết quả hài lòng của người dân và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp mới là thước đo đánh giá tốt nhất. Với sự tham mưu của Sở Nội vụ - cơ quan thường trực về cải cách hành chính, thành phố đã triển khai rất nhiều giải pháp. Trước hết, thành phố tập trung chỉ đạo điều hành khắc phục các lĩnh vực còn hạn chế mà bộ chỉ số đưa ra như cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức. Đây là những lĩnh vực mà hiện Hà Nội mặc dù được xếp thứ hạng cao nhưng so với nhóm lĩnh vực khác còn thấp hơn.
Hai là, thành phố phải đưa ra các sáng kiến cải cách, đặc biệt là những sáng kiến mang tính đột phá để tạo ra những chuyển biến tích cực. Ví dụ, Hà Nội đang thí điểm thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong nhiều lĩnh vực và thí điểm đề án cung cấp dịch vụ công bằng mô hình một cửa, một cửa liên thông để tạo điều kiện cho người dân rút ngắn được thời gian, chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính… Thí điểm thành công, thành phố sẽ mở rộng đại trà. Tôi tin với quyết tâm nỗ lực cố gắng và quan trọng là sự đồng thuận của nhân dân, công tác cải cách hành chính của Hà Nội sẽ đạt nhiều kết quả như yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Có ý kiến cho rằng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá cải cách hành chính. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức là một trong những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá cải cách hành chính. Thành phố Hà Nội thời gian qua đã quan tâm tập trung chỉ đạo đổi mới thi tuyển công chức trên máy tính để bảo đảm khách quan, chính xác, đánh giá một cách toàn diện hơn. Cùng với đó là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cả về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ... Quan trọng là kỷ luật, kỷ cương hành chính và tinh thần thái độ phục vụ - một trong những điểm phải hết sức quan tâm và phải là việc làm thường xuyên. Cùng với đó là phải kiểm tra, giám sát công vụ. Chúng ta cũng biết kiểm tra, giám sát là một trong những công cụ quản lý nhà nước hết sức quan trọng, nếu tăng cường sẽ phát hiện được những điểm còn thiếu sót để chấn chỉnh, uốn nắn và có được những kết quả thực tế để có thể đề xuất những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn. Có thể nói, đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng phải làm thường xuyên, phải quyết liệt mới có hiệu quả.
Xin ông cho biết đánh giá của mình về Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 được Bộ Nội vụ vừa công bố?
Việc xây dựng và công bố Chỉ số cải cách hành chính đã được Bộ Nội vụ thực hiện trong 3 năm. Đây là việc mới, khó, để đánh giá được ai tốt hơn ai, mức độ nào, rõ ràng cần rất nhiều tư duy. Trong 3 năm, Bộ Nội vụ đánh giá Chỉ số này rất khách quan, toàn diện, khoa học và đưa ra được kết quả tương đối thuyết phục. Từ kết quả này, các bộ, ngành, địa phương phải nhìn nhận lại và quan tâm hơn. Thứ nhất là quan tâm hơn về công tác cải cách hành chính, đó là một giá trị quan trọng. Thứ hai phải chỉ đạo điều hành để làm sao những lĩnh vực chưa đạt kết quả tốt phải làm tốt hơn, những lĩnh vực đã làm tốt phải duy trì và phát huy được. Theo tôi, đấy là những thành công đã đạt được qua việc công bố Chỉ số này.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiều việc phải rút kinh nghiệm. Đây là công việc khó, cần phải làm bài bản hơn, khoa học hơn, quan trọng là phải bám sát yêu cầu của thực tiễn hơn. Nhóm các địa phương phải có sự phân loại, đánh giá sát với đặc thù của từng địa phương. Điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên, dân số… rất nhiều vấn đề tác động đến việc đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của từng địa phương khách quan, toàn diện, chính xác nhất và phục vụ tốt nhất cho công tác cải cách hành chính.
Trân trọng cảm ơn ông!