Nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, ông Trần Thanh Huân đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về quan hệ Việt Nam - Hong Kong trong những năm gần đây và triển vọng thời gian tới.
Về những nét nổi bật nhất trong sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam với Đặc khu Hành chính Hong Kong, Tổng Lãnh sự Trần Thanh Huân cho rằng hòa chung dòng chảy của mối quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với Hong Kong những năm gần đây đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại.
Hai bên duy trì trao đổi tiếp xúc ở các cấp. Đáng chú ý là chuyến thăm Hong Kong của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 9/2016 và chuyến thăm Việt Nam, tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 của Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) vào tháng 11/2017. Trước đó, tháng 8/2016, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Thư ký Chính quyền Hong Kong. Tháng 11/2018, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Papua New Guinea và tháng 1/2019, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều đã tổ chức các cuộc gặp song phương. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Phát triển Kinh tế - Thương mại Hong Kong, Edward Yau và Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong, James Lau đã lần lượt thăm Việt Nam vào tháng 3/2018 và tháng 9/2019.
Hợp tác kinh tế - thương mại luôn là điểm sáng rất ấn tượng trong bức tranh tổng thể quan hệ giữa các địa phương Việt Nam và Hong Kong. Theo số liệu thống kê của Cục Xúc tiến Thương mại Hong Kong, kim ngạch trao đổi thương mại song phương liên tục tăng, từ 16,21 tỷ USD năm 2016 lên 21,2 tỷ USD năm 2019. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay, bất chấp tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thương mại hai chiều vẫn đạt 17,1 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hong Kong trong số các nước ASEAN.
Về đầu tư, năm 2019 đánh dấu bước bứt phá ngoạn mục trong đầu tư Hong Kong vào các địa phương của Việt Nam. Hong Kong dẫn đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 257 dự án, tổng vốn đăng ký mới đạt 5,3 tỷ USD. Hong Kong đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư Hong Kong vào Việt Nam tiếp tục tăng, với 179 dự án và tổng vốn đăng ký mới đạt 1,37 tỷ USD. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Hong Kong tổng cộng có 1.918 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 25 tỷ USD.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân có bước phát triển tích cực. Trong kế hoạch phục chế của Bảo tàng Lịch sử Hong Kong cũng dành một không gian để trưng bày tư liệu, hiện vật liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động tại Hong Kong.
Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách Hong Kong. Trước đại dịch COVID-19, mỗi ngày có khoảng 20 chuyến bay qua lại giữa Hong Kong với 5 điểm đến của Việt Nam mỗi ngày, kể cả đường bay thẳng Hong Kong - Phú Quốc được mở từ tháng 5/2019. Năm 2019, có hơn 5 vạn lượt du khách Hong Kong đến Việt Nam, tuy số lượng không lớn nhưng là nguồn du khách chất lượng cao.
Năm nay, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hong Kong bắt đầu có hiệu lực, mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư giữa Hong Kong với Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung. Thời gian qua, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Hong Kong ra thế giới và đến khu vực Đông Nam Á được đẩy mạnh, trong đó Việt Nam được nhìn nhận là một trong những điểm đến hấp dẫn và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Hong Kong đang hoạt động tại Việt Nam cũng mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để tận dụng những cơ hội và lợi thế.
Mặt khác, trong Kế hoạch Phát triển Vùng Vịnh lớn kết nối Hong Kong với 9 thành phố lớn của tỉnh Quảng Đông và Macau, một khu vực rộng lớn với diện tích 56.000 km2, dân số 71 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.600 tỷ USD, Hong Kong được định hướng không chỉ duy trì là trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, trung tâm chung chuyển mà còn phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ. Đây là những cơ hội mới mà Hong Kong mong muốn cùng Việt Nam hợp tác phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo công nghệ đầy tiềm năng này. Với tính kết nối cao trong khu vực Vùng Vịnh lớn, việc mở lại các đường bay sau đại dịch COVID-19, thu hút khách du lịch Trung Quốc thông qua Hong Kong và Macau cũng rất tiềm năng.
Theo Tổng Lãnh sự Trần Thanh Huân, những con số về hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, giữa Việt Nam và Hong Kong khá ấn tượng và vững chắc. Tiềm năng hợp tác còn rất lớn, hai bên có những thế mạnh để bổ sung cho nhau và có những cơ hội mới xuất hiện. Để phát huy được những tiềm năng, thế mạnh và tận dụng được những cơ hội mới này, mỗi bên cần khắc phục những khó khăn nội tại, nhất là những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra, sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, nối lại các đường bay để tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chuẩn bị tốt để đón nhận dòng dịch chuyển vốn đầu tư của Hong Kong.
Tổng Lãnh sự Trần Thanh Huân tin tưởng quan hệ hợp tác các địa phương của Việt Nam và Hong Kong sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều "trái ngọt" trong thời gian tới.