Dịch COVID-19: Bệnh nhân người Anh có thể sớm được xuất viện, về nước

Theo Bộ Y tế, đến 18 giờ ngày 22/6, Việt Nam tiếp tục không có ca mắc mới COVID-19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 6.519 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 74 ca; cách ly tập trung tại cơ sở khác 5.653 ca; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 792 ca.

Bệnh nhân 91 là phi công người Anh đã hồi phục tốt

Ngày 22/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân 91 (43 tuổi, quốc tịch Anh) đã gần như bình phục hoàn toàn, đủ điều kiện để chuyển sang các khoa, phòng khác và có thể xuất viện sớm.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 91 đã ngồi dậy, ăn uống với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Ảnh: TTXVN phát

Cũng theo bác sĩ Thảo, đến sáng 22/6, phổi của nam phi công người Anh đã hồi phục, thông khí đến 85% và sức cơ hồi phục khá tốt. Cụ thể, tay bệnh nhân đã cầm nắm được nhiều, có thể tự xúc ăn, thực hiện nhiều hoạt động như viết, nhắn tin, tự đánh răng, cạo râu… Chân bệnh nhân cũng đã phục hồi khá, hiện có thể co chân bình thường, sức co chân ở mức khoảng 4/5, có thể tự đứng nhưng vẫn phải dựa vào các khung đứng. Với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, bệnh nhân có thể bước đi, nhấc chân khỏi mặt phẳng.

Bác sĩ Thảo cho rằng, cơ chân bệnh nhân cần thêm thời gian để có thể đi lại bình thường. Chức năng của các cơ quan như gan, thận của bệnh nhân đã trở về bình thường, phần liên quan đến miễn dịch cũng trở về giới hạn gần như bình thường. Trong thời gian tới, các bác sĩ dự kiến sẽ chuyển bệnh nhân qua giai đoạn mới, chăm sóc phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, chú trọng đến dinh dưỡng để bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

“Nam phi công người Anh đã đủ các tiêu chuẩn hồi phục ra khỏi Khoa Hồi sức cấp cứu, chuyển sang các khoa, phòng bình thường khác. Trong tuần này, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ có hội chẩn với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 về vấn đề chuyển khoa hoặc xuất viện cho bệnh nhân”, bác sĩ Thảo cho biết.

Mắc COVID-19 từ ổ dịch quán bar Buddha (Quận 2), đến nay bệnh nhân 91 đã trải qua 96 ngày điều trị tại hai bệnh viện: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị lâu nhất tại Việt Nam và cũng là một trong những bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất trên thế giới.

Tiếp nhận vật tư y tế hỗ trợ của kiều bào

Ngày 22/6, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận 20.000 khẩu trang y tế phòng, chống dịch COVID-19 do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam và Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc trao tặng.

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay, cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới đã hưởng ứng nhiệt tình và có nhiều hình thức quyên góp, ủng hộ lên đến hơn 35 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, trang thiết bị vật tư y tế khác cho công tác phòng, chống dịch trong nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc đã quyên góp hơn 160 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước cũng đã quyên góp ủng hộ cộng đồng người Việt Nam ở Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tiền hỗ trợ cho các hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn xã An Hòa, huyện Chậu Thành. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Tại buổi lễ, thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi đã tiếp nhận do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam và Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc trao tặng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cho biết, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới đã có nhiều hình thức quyên góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nghĩa cử cao đẹp của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam và Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Trong giai đoạn khó khăn chống đại dịch COVID-19, sự đồng hành, sẻ chia của mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thể hiện trách nhiệm với đồng bào và xã hội.

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nêu rõ, trong thời gian qua, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ, nhân dân chống đại dịch COVID-19  qua các hoạt động thiết thực như quyên góp, tặng khẩu trang, nước rửa tay cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhiều hoạt động khác.

Với sự chung sức, đồng lòng của cả nước, sự lãnh đạo của Chính phủ, Việt Nam có được thắng lợi bước đầu trong phòng, chống dịch COVID-19. Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cho biết, sự ủng hộ của các cơ quan, tập thể, cá nhân trong nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện sự gắn bó, đoàn kết giữa đồng bào trong và ngoài nước; phát huy truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc.

“Những nghĩa cử cao đẹp góp phần khẳng định đường lối của Đảng, Nhà nước, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc”, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi khẳng định.

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hiệu quả sau dịch COVID-19

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19 và hạn mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, ngành thuế và các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã chủ động rà soát, đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Võ Văn Thanh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre, ngay sau khi Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành, Cục Thuế Bến Tre đã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kịp thời người nộp thuế về các nội dung của Nghị định 41/2020/NĐ-CP bằng nhiều hình thức để người nộp thuế thuộc các ngành nghề, lĩnh vực được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo qui định được biết để gửi đề nghị gia hạn.

Ngoài ra, ngành thuế cũng thực hiện rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng giảm thu, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh (trái) trao bảng tượng trưng hỗ trợ người dân vùng hạn, mặn Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Sau đó, Cục Thuế tổng hợp mức độ ảnh hưởng, báo cáo kịp thời về Tổng cục Thuế, UBND tỉnh để có chỉ đạo điều hành kịp thời. Cục Thuế Bến Tre cũng chỉ đạo các Chi cục Thuế thường xuyên phối hợp cùng các ngành chức năng rà soát các đối tượng kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để gửi các ngành chức năng thực hiện công tác hỗ trợ theo qui định.

Cùng với ngành thuế, thời gian qua, cả 17 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều tiến hành làm việc với từng doanh nghiệp có vay vốn để nắm các khó khăn, vướng mắc và có các biện pháp hỗ trợ thích hợp, kịp thời như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, tiếp tục cho vay mới nhằm giúp doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bà Phan Thị Diễm, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre cho biết, chi nhánh đã có các buổi làm việc trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng.

Nổi bật là việc chủ động chỉ đạo các ngân hàng rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại để có biện pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời; quyết liệt trong việc yêu cầu các chi nhánh ngân hàng làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, nắm tình hình khó khăn để áp dụng biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực; thành lập đường dây nóng, tổ tiếp nhận, xử lý thông tin về hỗ trợ khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng trên địa bàn, bảo đảm các đơn vị thực hiện đúng chủ trương. Đến nay, ngành ngân hàng Bến Tre tiếp tục chủ động về nguồn vốn, tích cực tiếp cận khách hàng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vay hợp lý của khách hàng với lãi suất ưu đãi phù hợp (lãi suất thấp tùy từng đối tượng và phương án sản xuất, kinh doanh) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh; mở rộng cho vay tiêu dùng, hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen, góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Phần lớn các khách hàng vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Bến Tre đều bị ảnh hưởng khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và tình hình hạn mặn diễn ra. Vì vậy, khi có chỉ đạo từ Chính phủ và ngành ngân hàng, chi nhánh Agribank Bến Tre đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đến khách hàng.

Theo ông Phan Minh Châu, Phó Giám đốc chi nhánh Agribank Bến Tre, ngân hàng này đã chủ động khảo sát tình hình thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hạn mặn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng để áp dụng các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, ngân hàng xem xét tùy theo mức ảnh hưởng mà áp dụng các giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm tối đa đến 2%/ năm đối với khách hàng cá nhân và 2,5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa). Ngoài ra, trong thời gian hạn mặn sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay tối đa với 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước thông báo từng thời kỳ.

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực này là 5%/năm và trung dài hạn là 10,5%/năm) đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do hạn mặn. Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 12/6/2020, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho 1.973 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và hạn mặn; trong đó, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 226 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 504,3 tỷ đồng, miễn, giảm lãi vay cho 40 khách hàng với tổng dư nợ được miễn, giảm lãi gần 419 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cho vay phục hồi sản xuất, kinh doanh 1.461 khách hàng với tổng doanh số cho vay trên 4.250 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay cho 280 khách hàng với dư nợ được giảm lãi suất là 745 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng còn có chính sách giảm lãi suất đồng loạt cho khách hàng với mức lãi suất giảm từ 0,03%/năm đến 2%/năm.

V.T/Báo Tin tức
Đã có 328 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh
Đã có 328 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Tính đến 17h ngày 22/6/2020, đã có 328 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN