Nơi đây từng được chọn làm bàn đạp tấn công vào thành phố, gây thiệt hại nặng nề cho địch. Đây cũng là nơi đã từng nuôi giấu hàng trăm cán bộ chiến sỹ cách mạng, đồng thời cũng được xem là thành quả của sự sáng tạo trong đường lối chiến tranh nhân dân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh.
Địa đạo Phú Thọ Hòa là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. |
Căn cứ trong lòng địch
Địa đạo Phú Thọ Hòa là vùng chuyển tiếp giữa ngoại thành và nội thành. Khi có lời kêu gọi kháng chiến của Bác, nhân dân Phú Thọ Hòa nhất tề đứng lên theo Đảng, Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Nhưng chưa đầy 30 ngày thì thực dân Pháp núp bóng quân Anh trở lại gây hấn.
Ngày 23/9/1945, cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ bắt đầu, ý đồ của giặc Pháp là quyết tiêu diệt hết lực lượng và cơ sở cách mạng quanh vành đai thành phố. Để đối phó với hoạt động của địch, tại Đình Lộc Hòa, Ủy ban kháng chiến xã Phú Thọ Hòa được thành lập. Trong thời gian này, chi bộ xã nhận định cuộc chiến đấu sẽ đi vào cam go và lâu dài nên có chủ trương xây dựng, phát triển hệ thống đường giao thông hào và đào địa đạo, làm căn cứ chiến địa để cán bộ, lực lượng võ trang bám đất, bám dân, chiến đấu tiêu diệt địch, giữ vững địa bàn cơ sở cách mạng, làm bàn đạp tấn công vào thành phố.
Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947, tại thôn Lộc Hoà và vùng phụ cận. Nơi đây được chọn làm địa đạo là do có những đặc điểm: vùng đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình địa vật phức tạp, nhân dân có truyền thống cách mạng.
Tiền thân của địa đạo Phú Thọ Hòa là những chiếc hầm bí mật, nhất là hầm ếch, loại hầm này có đường đi không dài, khoảng chừng 4,5m và chiều rộng chỉ vừa một người chui, bò hoặc đi lom khom...
Địa đạo Phú Thọ Hòa đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chính quyền thành phố quan tâm đến thăm và chỉ đạo việc phục chế, xây dựng lại địa đạo để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. |
Nhược điểm của hầm này là khi bị địch phát hiện thì không có đường thoát. Vì vậy, nhân dân ấp Lộc Hòa đã cải tiến hầm ếch thành đường hầm xe lửa hai ngăn. Địa đạo được đào sâu dưới lòng đất những 3 m, có đoạn sâu đến 4 m, lòng địa đạo cao khoảng 1m, rộng khoảng 0,8 m, hai bên có nhiều ngách đi sang nhiều hướng khác nhau. Địa đạo có 2 tầng, đường đi của địa đạo có lúc trầm xuống có lúc trồi lên, có nhiều lỗ thông hơi và nhiều miệng hầm có nắp đậy được nghi trang cẩn thận tuỳ theo địa hình bên trên của mặt đất.
Sở dĩ người ta gọi là địa đạo “hầm xe lửa” vì trong địa đạo cứ một đoạn khoảng 20 m lại có một vách ngăn, ở giữa có khoét một lỗ đường kính 0,5 m vừa người chui qua (hình thức này tương tự như từng toa xe lửa) và cứ thế nối tiếp nhau đi từ ấp này sang ấp khác. Cách bố trí vách ngăn này để phòng ngừa khi địch phát hiện hầm địa đạo thì ta chui qua hầm kế tiếp rồi bít cửa lại, nghi trang cẩn thận để địch tưởng đây là đường cùng, hết lối. Hệ thống đường hầm xe lửa này kéo dài thành hệ thống địa đạo liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hoà kéo dài lên ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hoà đến Gò Đậu...
“Chiều dài địa đạo theo đường chim bay khoảng hơn một cây số, tổng chiều dài trên cả chục cây số. Trên mặt đất được đào thêm hầm chiến đấu lộ thiên hình chữ L và giao thông hào, trồng thêm tre, dứa dọc theo bờ, tạo thành địa hình địa vật chiến đấu liên xã Phú Thọ Hòa - Bình Hưng Hòa - Tân Sơn Nhì để bảo vệ làng xã chống quân xâm lược”, ông Ngô Văn Chung, đại điện ban quản lý địa đạo Phú Thọ Hòa, cho biết.
Theo ông Chung, địa đạo chiến Phú Thọ Hòa được phát triển đầu tiên ở thành phố nhằm phục vụcuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Nhờ địa đạo này, các chiến sỹ cách mạng đã làm nên những chiến công oanh liệt như: Hai lần tấn công vào kho bom Phú Thọ (1952 - 1954), nhiều lần đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất làm tiêu hao nhiều lực lượng địch; che giấu hàng ngàn cán bộ du kích bộ đội như: chi đội 12, tiểu đoàn Ký Con, tiểu đoàn Ngô Gia Tự, chi đội 13 và nhiều ban công tác thành. Đây cũng là nơi đảm bảo cho nhiều cán bộ, quân dân chính đảng các cấp về hoạt động nội thành dừng chân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phục dựng để giáo dục thế hệ trẻ
Năm 1984, trong một lần về thăm khu di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Linh (lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã chỉ đạo nên khôi phục lại khu di tích này để giáo dục cho thế hệ trẻ: “Phải dựng lại cuộc chiến đấu của những người đã hy sinh và còn sống, để giáo dục nhân dân thành phố nhất là thế hệ thanh niên về Phú Thọ Hòa, nơi đã có những người con yêu nước, yêu đồng bào, ghét kẻ thù ngoại bang đến xâm lược và những kẻ tôi tớ cho bọn xâm lược nước ta.
Địa đạo được cải tiến qua từng thời kỳ chiến tranh. |
Về một Phú Thọ Hòa mà đồng bào nơi đây đã hy sinh vượt qua bao nhiêu gian khổ, đoàn kết đấu tranh, yêu thương và bảo vệ các chiến sỹ cách mạng. Làm lại tất cả các di tích này cốt không chỉ để ca ngợi những cái đã qua, mà chính là để truyền lại tinh thần đoàn kết yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng cho thế hệ thanh niên ở thành phố chúng ta, đất nước chúng ta, từ đó hướng cho thanh niên và nhân dân từ lòng yêu nước tới yêu chủ nghĩa xã hội, yêu chủ nghĩa cộng sản...”.
Từ “gợi ý” của Bí thư Thành ủy, quận Tân Bình (sau khi tách quận, hiện nay thuộc về quận Tân Phú) đã phục chế lại một đoạn địa đạo năm xưa dài khoảng 100 m nằm trong khu vực rộng 4.242 m2 để bảo tồn và là nơi để giáo dục các giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau. Năm 1996, khu địa đạo này được Bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Với tầm vóc giá trị lịch sử và vị trí của địa đạo chiến Phú Thọ Hòa, ngày nay, quận Tân Phú đã phát huy tác dụng, đưa di tích địa đạo vào phục vụ các đoàn khách đến tham quan di tích, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ.
Ông Chung cho biết, hàng năm vào dịp hè, địa đạo Phú Thọ Hòa được xem là một điểm di tích có nhiều đoàn khách đến tham quan, cắm trại, một điểm vui chơi giải trí bổ ích của các đoàn viên thanh niên, thiếu nhi trong quận và các nơi khác. Nhiều năm nay, Đoàn phường Phú Thọ Hòa cố gắng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động mang tính giáo dục truyền thống cho các bạn trẻ ngay tại di tích, như kết nạp đội viên, đoàn viên, tổ chức hội trại... với mong muốn địa chỉ đỏ này phát huy được giá trị lịch sử.