Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế địa phương

Sáng 27/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, phóng viên TTXVN ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung này.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Vũ Xuân Hùng phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương): Đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Trước hết, chúng ta cần khẳng định sự cần thiết khi ban hành cơ chế đặc thù đối với các địa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần bàn về cơ chế, chính sách đặc thù của toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như các chiến lược kinh tế - xã hội quốc gia.

Nếu được thông qua, cả nước sẽ có 4 tỉnh, thành được Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù và khi Nghị quyết này có hiệu lực thì cũng tròn 3 năm kể từ ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực với nhiều kỳ vọng.

Như vậy, việc các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù lần này đã hoàn thành hay chưa khi xây dựng quy hoạch cho địa phương của mình. Nếu chưa thì cơ chế đặc thù này sẽ ảnh hưởng như thế nào khi phải tiến hành quy hoạch?

Tôi cho rằng, cơ chế đặc thù thí điểm là ngắn hạn, còn quy hoạch là dài hạn. Do đó, khi xây dựng quy hoạch các vấn đề về quy định trong thực hiện cơ chế đặc thù sẽ được xử lý như thế nào? Quy hoạch có trước hay cơ chế đặc thù có trước?

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội có thảo luận về đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, cơ chế chính sách đặc thù của các địa phương nằm ở đâu trong đề án này? Trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lãnh thổ, kinh tế là nội dung liên kết gói gọn kinh tế giữa các lãnh thổ. Như vậy, khi ban hành cơ chế chính sách đặc thù, chúng ta đã tính đến sự liên kết của các địa phương này với các tỉnh, thành lân cận hay chưa?

Việc quan trọng chúng ta cần đặt cơ chế đặc thù trong tổng thể vùng kinh tế, không phải riêng lẻ cho từng tỉnh. Khi xây dựng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, tờ trình Chính phủ có nêu xác định vai trò của thành phố Đà Nẵng tiếp tục là Trung tâm, là đầu tàu kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ lần này có đề cập đến Thanh Hóa, khẳng định là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. Vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng của miền Trung tại Kỳ họp này, các địa phương hưởng đặc thù sẽ đóng vai như thế nào trong chiến lược liên kết vùng?

Theo tôi, thí điểm cơ chế đặc thù trong ngắn hạn, do đó hiệu quả sẽ không như mong đợi. Tôi xin đề xuất Quốc hội thí điểm mô hình chính quyền đô thị và cơ chế chính sách đặc thù phát triển đối với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ): Hoàn thiện khung pháp lý để nhân rộng ra toàn quốc

Trong thực tiễn, thực hiện các cơ chế chính sách pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội tất yếu nảy sinh những vướng mắc, bất cập làm cản trở sự phát triển của địa phương, của đất nước, trong khi chưa chín muồi để ban hành pháp luật điều chỉnh.

Do đó, việc thí điểm cơ chế đặc thù địa phương là cần thiết. Theo đó, ngoài mục tiêu theo tờ trình của 4 địa phương, chúng ta cần hoàn thành hệ thống pháp luật, các thể chế, cơ chế chính sách để thực hiện thống nhất trên cả nước.

Việc thí điểm các mô hình cơ chế đặc thù để tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát huy tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều Nghị quyết của Trung ương, địa phương nằm trong vùng trọng điểm, kinh tế, an ninh quốc phòng như: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Trung ương khi chưa được hoặc không được cơ chế đặc thù.

Do đó, Chính phủ, các cơ quan, địa phương có liên quan cần nghiên cứu, giải trình, triển khai rõ ràng, minh bạch tạo sự thống nhất và đồng thuận trong nhân dân.

Để giải quyết vấn đề này, tôi xin đề nghị Chính phủ, Quốc hội xác định nội dung khác với quy định hiện hành, đang là những yếu tố cản trở hoặc những nội dung có tính chất thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, của đất nước, của các địa phương, vùng miền trên đất nước.

Cùng với đó, Quốc hội cần xác định quan điểm và tiêu chí và phải có tiêu chí mới giải thích thỏa đáng được với cử tri, nhân dân; tránh cơ chế “xin – cho”; đồng thời, xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét cách lựa chọn thí điểm, xem xét lựa chọn một số địa phương đáp ứng các tiêu chí ưu tiên kết hợp với các địa phương được Quốc hội xem xét lần này để thực hiện thí điểm. Trên cơ sở đó, tổng kết, hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh): Cân nhắc nâng tổng mức dư nợ vay

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho các địa phương lần này có đề cập đến chính sách dư nợ vay. Theo đó, hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Tuy nhiên, Luật Ngân sách hiện hành quy định mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp mà thực tế các địa phương chưa sử dụng hết định mức này.

Đơn cử như tỉnh Thanh Hoá, trong năm 2021, dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng nhưng dư nợ vay đến cuối năm mới đạt 27% so với mức dư nợ cho phép. Với mức 60% dự thảo đang đề xuất thì mức dư được phép vay của Thanh Hoá tới 7.909 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với mức sử dụng hiện tại. Tương tự, tỉnh Nghệ An cũng chưa sử dụng hết mức trần cho phép về dư nợ vay.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, dư nợ cho vay của thành phố này đến cuối năm 2018 bằng 26,5% dư nợ cho phép trong bối cảnh GDP của cả nước và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tp. Hồ Chí Minh năm đó khá cao. Nhìn chung, mức dư nợ cho vay của các địa phương đang thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đều thấp hơn mức Quốc hội cho phép.

Theo tôi, để bảo đảm hiệu quả nguồn lực, cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, hiệu quả kinh tế đối với khoản vay theo quy định Luật Quản lý nợ công năm 2017 hay Nghị định số 93/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Với chính sách dư nợ vay dự kiến vượt quy định hiện hành, cần làm rõ nguồn trả nợ vay, cùng với đó tính toán, xem xét, cân nhắc trên mức độ cần thiết và phù hợp với khả năng trả nợ của địa đang sử dụng ngân sách Trung ương.

Thuý Hiền - Diệp Anh (Thực hiện)
Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù tại 4 tỉnh, thành phố
Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù tại 4 tỉnh, thành phố

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 27/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN