Giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch
Tại hội trường, nhiều đại biểu quan tâm tới mô hình du lịch đêm; giải pháp thúc đẩy liên kết du lịch giữa các địa phương.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đánh giá, với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, du lịch đêm là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến và các giải pháp khắc phục.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm.
Từ khi ban hành đề án thí điểm du lịch đêm ở một số địa phương đã nhận được tín hiệu tích cực. Nhiều địa phương đã triển khai, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số sản phẩm du lịch đêm nổi bật được các địa phương xây dựng, như: "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm", "Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình" ,"Quận 1 - Sắc màu đêm"...
Tuy vậy, đây là vấn đề mới và khó, bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, Bộ trưởng Hùng cho rằng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm. Chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự...) và nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng "không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ", rất lãng phí.
Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực... Làm được những việc này, sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.
Để giải bài toán căn cơ này, Bộ trưởng đề xuất các địa phương nghiên cứu một số giải pháp, trong đó quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm. Hướng tiếp cận trong thời gian tới là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực; đáp ứng nhu cầu mua sắm. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm.
Tại hội trường, nhiều đại biểu chất vấn về các giải pháp về bộ nhận diện bản sắc dân tộc để tạo ấn tượng với du khách quốc tế; tình hình các dự án lớn về xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt, quy mô lớn đẳng cấp khu vực và thế giới tại Việt Nam; giải pháp thực hiện phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới...
Liên quan đến vấn đề miễn thị thực, chuyển đổi số trong ngành du lịch, nhiều đại biểu cho rằng đây là một trong các giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19. Bộ trưởng cho rằng, về chính sách thị thực điện tử, nhiều quốc gia khác sử dụng điều này như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được điều này, chúng ta đã sửa đổi một số luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch.
Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về mặt chính sách thị thực điện tử trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm các trường hợp bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn của vận động viên
Một vấn đề cũng được quan tâm tại phiên chất vấn là về những tiêu cực trong lĩnh vực thể thao được dư luận phản ánh thời gian qua, điển hình như việc vận động viên tố huấn luyện viên “cắt phế” tiền thưởng.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu vấn đề: thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả. Điều này kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên.
Cho biết "đây là vấn đề nhức nhối của ngành", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh "không có chuyện bao che, dung túng cho việc này" và khẳng định: Khi phát hiện, Bộ đã cương quyết xử lý và thực hiện phương châm của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Qua xử lý đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác điều tra, xử lý khi có dấu hiệu tội phạm. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.
Bộ trưởng lý giải thêm, ban đầu mục đích của các đội là góp quỹ để hỗ trợ, bồi dưỡng nhau khi khó khăn, để thăm hỏi khi ốm đau, ma chay, hiếu hỉ, hỗ trợ, bồi dưỡng thêm sau trận thi đấu… "Nếu quản lý chặt, không để huấn luyện viên lạm dụng thì có lẽ đã không có tiêu cực xảy ra... Vừa qua, chúng tôi đã cho rà soát lại" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nêu thực trạng đa số các vận động viên đều chung nỗi lo là làm gì sau khi giã từ sự nghiệp vì thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn, chỉ số ít làm việc liên quan tới thể thao nên nhiều vận động viên từ bỏ đam mê, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đặt câu hỏi về giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên, đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm về thể thao với các nghị quyết, chiến lược, đề án thực hiện. Theo đó, Chính phủ ban hành 8 chính sách để hỗ trợ vận động viên thể thao thành tích cao, đào tạo ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng… từ đó động viên đội ngũ thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, có thực trạng như đại biểu nêu khi để giải quyết việc làm có tính căn cơ cho vận động viên còn khó khăn. Đó là trình độ đào tạo và nghề nghiệp của vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu, nghề nghiệp đó có thể chưa thích hợp với vận động viên… Vì vậy không phải vận động viên nào cũng vào các cơ quan sự nghiệp để làm việc và thi đấu.
Bộ trưởng Hùng cho biết đang đề xuất Chính phủ đánh giá tổng thể các chính sách vừa qua, tạo thuận lợi nhất cho vận động viên yên tâm thi đấu, làm việc theo đúng sở trường lâu dài, bao gồm chính sách tiền lương, nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035", Bộ đã tập trung phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó nhóm việc đầu tiên là đề xuất để ban hành chính sách liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Những đối tượng này được thụ hưởng 7 chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua như: vấn đề tiền lương, bảo hiểm, chế độ thưởng bằng hiện vật, chế độ dinh dưỡng đặc thù… Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài. Cần có cách làm mới hơn, khoa học hơn trong phát hiện năng khiếu, ứng dụng gen để đào tạo; tìm chọn ra các huấn luyện viên ở các cấp tuổi khác nhau.