Bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII:

Để Cảng hàng không quốc tế Long Thành không bị 'đội giá'

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, vấn đề đa số cử tri quan tâm hiện nay là nhiều dự án xây dựng cơ bản; trong đó có các dự án giao thông luôn bị “đội giá” lớn so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Bên lề Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

“Điều đầu tiên chúng ta phải nói rằng, các công trình xây dựng cơ bản nói chung; trong đó có công trình xây dựng giao thông của Việt Nam đang bị bệnh “đội giá”. Việc “đội giá” này theo tôi có hai nguyên nhân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng-TTXVN


Nguyên nhân thứ nhất là từ yếu tố vĩ mô. Đó là do nền kinh tế của chúng ta không ổn định, tỷ lệ lạm phát tăng cao nên các nhà xây dựng, nhà thầu phải tính chi phí này vào giá thành xây dựng. Nguyên nhân thứ hai là về chủ quan do công tác tính toán định mức dự toán của chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên vẫn phải dùng hệ số định mức dự toán của những nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản thường hỗ trợ hoặc phải tham khảo các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, dẫn đến có những tiêu chuẩn cao hơn. Thứ ba, chúng ta phải nói thật với nhau là đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng định mức dự toán còn yếu kém nên việc thiết kế, giám sát còn nhiều tồn tại, thiết kế còn máy móc. Vì vậy, dự án thường bị “đội giá”.

Theo tôi, vừa qua có vấn đề đặt ra đối với Quốc lộ 1 với hai quan điểm: Thứ nhất là đơn vị thiết kế chỉ cần giữ nguyên mặt đường và thêm lớp nền khoảng 20-30 cm, sau đó thảm bê tông nhựa, xây dựng cống thoát nước, hộ lan… là hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo. Trường hợp thứ hai là đơn vị thiết kế yêu cầu phải đắp cao hơn tuyến đường cũ từ 50 - 80 cm sau đó mới làm các hạng mục như vừa nêu. Vậy hai phương án này, đâu là phương án tối ưu mà người thiết kế giỏi cần thực hiện?

Trở lại vấn đề chủ trương xây dựng một sân bay mới đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã đặt ra từ những năm 91 của thể kỷ trước khi chúng ta bắt đầu làm cương lĩnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng thời điểm đó nền kinh tế còn khó khăn nên đã hoãn lại. Đến thời điểm này, các yếu tố khách quan và chủ quan đã chín muồi để chúng ta bắt tay vào triển khai.

Dự án sân bay Long Thành sẽ thực hiện theo nguyên tắc thời gian chuẩn bị kéo dài nhưng thời gian thi công ngắn bởi đây là quan điểm của Bộ Chính trị khác hẳn với tất cả các dự án khác. Các dự án khác là thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng thời gian thi công, kể cả huy động vốn rất dài chính vì thế có những dự án như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng làm 100 km nhưng 7 năm chưa xong (dự kiến cuối năm 2015 mới xong). Như vậy, mỗi năm chúng ta làm có hơn 10 km, như thế không chỉ thiệt hại cho bản thân người đầu tư và mà còn thiệt hại cho cả nền kinh tế. Với việc kéo dài thời gian chuẩn bị cho dự án sân bay Long Thành sẽ giúp chúng ta xem xét kỹ lưỡng cũng như xem xét tất cả những kinh nghiệm của dự án khác để áp dụng vào dự án này một cách tốt nhất (trong đó cả kinh nghiệm tốt và chưa tốt để xem xét khắc phục tại dự án này) nhằm góp phần cho dự án không bị “đội giá”.

Tôi khẳng định, dự án sân bay Long Thành mới chỉ trong giai đoạn làm dự án tiền khả thi nên tất cả các con số mới chỉ là khái toán cho nên không nên “xúc động quá” với con số đầu tư của dự án này”.

Đại biểu Đinh La Thăng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải):

“Kinh phí để xây dựng báo cáo tiền khả thi do Chính phủ Nhật Bản giúp, toàn bộ các tiêu chuẩn và suất đầu tư là do đơn vị tư vấn của Nhật Bản đưa ra. Vì vậy, con số lúc đầu đưa ra đối với dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hết sức “sơ bộ”.

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư dự án có giảm hơn lúc đầu đưa ra là do chúng ta thực hiện phân kỳ đầu tư. Vì nếu mà có tiền thì chúng ta sẽ phải xây dựng luôn hai đường băng, nhưng do phân kỳ đầu tư nên giai đoạn 1 chúng ta sẽ làm một đường bay. Chúng tôi tính toán giả sử có sự cố gì tại sân bay Long Thành lúc đó chúng ta có thể sử dụng Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Lý do tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành giảm nữa là do chúng ta tách công tác giải phóng mặt bằng.

Tôi khẳng định, tổng mức đầu tư của dự án không thay đổi nhưng do phân kỳ tách để đầu tư từng giai đoạn. Khi xây dựng sân bay Long Thành quan điểm của chúng tôi là vẫn giữ nguyên hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất. Hai sân bay sẽ có chức năng, nhiệm vụ riêng và hỗ trợ lẫn nhau. Nhìn sang Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, thành phố này có 3 sân bay đều hoạt động và nhiều nước trong khu vực cũng có nhiều sân bay hoạt động tại một thành phố.

Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, cùng với hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị kết nối đồng bộ Tp. Hồ Chí Minh với Long Thành và những địa phương lân cận sẽ tạo sự thuận lợi cho hành khách di chuyển tới Long Thành”.


Xuyên - Toàn
Thi công các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành
Thi công các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai thi công các gói thầu xây lắp (phần vốn Ngân hàng ADB tài trợ) gồm gói thầu xây lắp A1, A2-1, A2-2 và A3 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN