Chưa xác định rõ trách nhiệm dẫn đến tồn tại, hạn chế
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, sáng 2/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã khẩn trương triển khai lập 4/5 quy hoạch quốc gia, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng kho xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản.
Đối với giải pháp khắc phục những hạn chế của quy hoạch thời kỳ trước khi triển khai lập quy hoạch thời kỳ mới, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, còn vướng mắc khi phải điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, cần bổ sung nội dung này vào văn bản pháp luật về quy hoạch để giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh. Để giảm thiểu các sai sót, nhầm lẫn về tọa độ, ranh giới, địa giới hành chính, chồng lấn với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong quá trình xây dựng, xin ý kiến dự thảo Quy hoạch các loại khoáng sản, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ, đánh giá hiện trạng, rà soát các dự án quy hoạch…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong cung cấp các thông tin, dữ liệu lập quy hoạch khoáng sản, thẩm định đánh giá tác động môi trường các quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật về môi trường; phối hợp cấp phép khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đóng góp ý kiến đối với cấp phép không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản của một số dự án…
Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát nhất trí cho rằng, tiến độ phê duyệt quy hoạch của ngành Công Thương đã được chỉ rõ, song báo cáo chưa đầy đủ trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong việc để tiến độ quy hoạch ngành quốc gia còn chậm. Trong tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, một số ý kiến cho rằng, 4 quy hoạch quốc gia đang được Bộ Công Thương triển khai liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nên cần có văn bản hướng dẫn để thực hiện tốt hơn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, báo cáo của Bộ Công Thương còn chưa đầy đủ, chưa nêu được trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như các tồn tại, nguyên nhân chủ quan, khách quan trong việc tiến độ quy hoạch ngành quốc gia còn chậm. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chú trọng rà soát văn bản kỹ thuật ở Luật Quy hoạch, rà soát quy hoạch hết hiệu lực của ngành Công Thương; thực hiện tốt công tác phối hợp thẩm định… Hiện 5 quy hoạch giao Bộ Công Thương đều chưa được phê duyệt, dẫn đến tình trạng chậm. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần đặt chất lượng lên hàng đầu, bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất với quy hoạch, không để lại hậu quả khi quy hoạch đã ban hành lại phải điều chỉnh và không có tính thực tế.
Về một số vấn đề liên quan đến quy hoạch khoáng sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là đánh giá tác động đến xã hội, môi trường của các quy hoạch khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương chú ý đến ranh giới quan hệ giữa quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác bằng việc lấy ý kiến của các bộ, ngành.
Về phương pháp lập quy hoạch, tích hợp quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Công Thương chú ý việc kế thừa những nội dung văn bản trước đó; thực hiện công khai vì các vấn đề quy hoạch của ngành liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vướng mắc trong công tác tổ chức đấu thầu, tư vấn
Báo cáo tại buổi làm việc chiều 2/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, Bộ được giao lập 2 quy hoạch ngành quốc gia: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 24/2/2020); Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 17/1/2020).
Theo đó, công tác xây dựng 2 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Xây dựng tổ chức thời gian qua cơ bản được thực hiện đầy đủ, tuân thủ các quy định pháp luật, đáp ứng đúng tiến độ đặt ra. Hiện nay, việc lập các quy hoạch trên mới đến khâu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị lựa chọn tư vấn lập quy hoạch theo quy định về đấu thầu; chậm hơn so với kế hoạch triển khai. Các kết quả về thực hiện trình tự thủ tục trong hoạt động quy hoạch; tuân thủ quy định về căn cứ, yêu cầu, nội dung quy hoạch, thẩm định, phê duyệt và công khai thông tin quy hoạch sẽ được Bộ Xây dựng báo cáo trong quá trình thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, quá trình tổ chức 2 quy hoạch ngành quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP gặp một số khó khăn. Đối với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, còn vướng mắc công tác tổ chức tư vấn đấu thầu. Theo đó, sau 2 lần tổ chức đấu thầu, hiện không có nhà thầu tham dự nhận Hồ sơ mời thầu và nộp Hồ sơ dự thầu. Trong khi đó, quy định pháp luật về đấu thầu, các viện nghiên cứu (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ) có năng lực và kinh nghiệm nhưng không được tham gia thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn lập quy hoạch. Hiện có rất ít đơn vị tư vấn đủ chuyên môn sâu thực hiện đảm bảo chất lượng nhiệm vụ các quy hoạch này.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, do quy định pháp luật về quy hoạch và đấu thầu chưa quy định rõ và nhất quán về thẩm quyền quyết định đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Đối với việc tích hợp các nội dung quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan vào quy hoạch ngành cần lập, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các quy hoạch ngành cũng như việc xác định các cơ quan tổ chức tham gia xây dựng các nội dung quy hoạch tích hợp có liên quan.
Đánh giá cao báo cáo của Bộ Xây dựng, Đoàn giám sát nhất trí cho rằng, báo cáo được lập tương đối công phu, đầy đủ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân; đặc biệt đã xác định rõ trách nhiệm dẫn đến tồn tại, hạn chế. Với khối công việc lớn, Bộ Xây dựng đã tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ đối với các bộ, ngành về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; thực hiện xong việc rà soát, ban hành danh mục tích hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; rà soát quy hoạch hết hiệu lực của Bộ Xây dựng.
Một số ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng lý giải việc chậm tiến độ, đề xuất các giải pháp chất lượng và khả thi; báo cáo rõ hơn việc phối hợp, đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; việc phối hợp thẩm định các quy hoạch tỉnh, khó khăn, vướng mắc, giải pháp khắc phục việc thi hành quy hoạch tỉnh; đánh giá thêm điểm mâu thuẫn giữa pháp luật quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng…; lý do có nhiều điều chỉnh trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; tính công khai, minh bạch trong lập quy hoạch, tác động đến cộng đồng và môi trường…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tiến độ quy hoạch ngành quốc gia của Bộ Xây dựng chậm so với yêu cầu đề ra. Một mặt, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, rà soát, tích hợp giữa các quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ. Nhưng mặt khác, trong năm 2022, toàn bộ các quy hoạch ngành quốc gia sẽ trình Hội đồng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra sức ép lớn về tiến độ, thời gian. Do đó, Bộ Xây dựng chú trọng việc bảo đảm chất lượng quy hoạch.
So với các bộ, ngành khác, nội dung tư vấn lập quy hoạch của ngành Xây dựng nhiều hơn về số lượng và cả kinh nghiệm thực tiễn. Hai quy hoạch ngành quốc gia Bộ Xây dựng được giao có tính kế thừa nhiều hơn trên nền quy hoạch cũ. Do đó, báo cáo của Bộ cần thể hiện rõ hơn điều này.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo thêm những điểm cần tháo gỡ cũng như các đề xuất, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội để sớm hoàn thành 2 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ phụ trách, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch ngành.
Đối với vấn đề quy hoạch đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề bảo đảm lợi ích nhà nước, cộng đồng người dân và doanh nghiệp; việc sử dụng có hiệu quả quỹ đất đô thị, tránh lợi dụng, trục lợi từ các vấn đề liên quan đến quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc nâng cao chất lượng đô thị, nhất là công tác đầu tư, tư vấn liên quan đến trách nhiệm của các địa phương; do đó, Bộ Xây dựng tham gia cùng các địa phương kịp thời, chất lượng, phù hợp với thực tiễn, nhưng ngược lại cũng phải chủ động tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương về các vấn đề liên quan đến quy hoạch.
Đánh giá cao việc Bộ Xây dựng tăng cường ủy quyền, phân cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc quy hoạch được thực hiện nghiêm túc và đảm bảo phát triển chung của đất nước.