Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Tân Việt (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Ảnh: Văn Đức/TTXVN |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Đại hội XI và nhất là Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng sản phẩm”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong thời gian qua, chính sách pháp luật đất đai về cơ bản đã được hoàn thiện, phù hợp với cơ chế thị trường, đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai. Thực tế đã xuất hiện nhiều ý tưởng mô hình và phương thức tích tụ tập trung ruộng đất, tiến hành sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp là vấn đề kinh tế, lấy việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp là mục tiêu phấn đấu, là tiêu chuẩn đánh giá nhưng đồng thời cũng có những ảnh hưởng, tác động lớn về mặt xã hội, đặt ra nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết. Đó là việc làm thay đổi nhận thức, tâm lý người nông dân sản xuất nhỏ, đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở nông thôn, giữ vững ổn định xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy tích tụ, tập trung đất đai cùng với hiệu quả kinh tế, cần phải quan tâm đến hiệu quả xã hội.
Để thực hiện thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai hiện nay, các đại biểu cho rằng, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ nông dân thấy những lợi ích của tích tụ, tập trung đất đai, giới thiệu những mô hình, những điển hình thành công để mọi người học tập; vận động, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, uốn nắn kịp thời những sai sót, tổng kết, rút kinh nghiệm để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai thuộc địa bàn.
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của luật pháp, cơ chế, chính sách có liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật pháp, cơ chế, chính sách cần được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp và ngăn chặn những người lợi dụng tích tụ, tập trung đất đai để đầu cơ, kiếm lời.
Cùng với luật pháp, cơ chế, chính sách, Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các mục đích, nhu cầu khác nhau, trong đó có quy hoạch đất trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm quy hoạch sử dụng đất gắn kết, thống nhất với quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực ở các vùng, địa phương, phù hợp với sự thay đổi của tình hình đất nước trong từng giai đoạn.
Quy hoạch khoa học, hợp lý rỡ bỏ một số rào cản hiện nay, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai. Việc chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất được thực hiện theo cơ chế thị trường. Giá cả chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất giữa các hộ và doanh nghiệp do thị trường xác định.