Dự và chỉ đạo Đại hội có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Giàng Páo Mỷ; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà.
Phát biểu tại Đại hội, bà Giàng Páo Mỷ đề nghị, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc; quán triệt sâu rộng, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phải huy động tối đa nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí nguồn lực của tỉnh để triển khai các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo kịp thời, hiệu quả; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng, giáo dục, y tế, văn hóa...
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, gìn giữ, bảo vệ môi trường sống, ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra; thay đổi tập quán canh tác theo hướng bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; kiên quyết bài trừ các hủ tục.
Tại Đại hội, các đại biểu tham luận về: Phát huy tính tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc; vận động đồng bào tham gia bảo vệ đường biên mốc giới; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh…
Lai Châu là địa bàn cư trú lâu đời của 19 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% tổng dân số toàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ III - năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Các chính sách dân tộc được triển khai đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân trong lựa chọn đối tượng, nội dung đầu tư; hỗ trợ, giám sát quá trình tổ chức thực hiện chính sách.
Các nguồn vốn được bố trí kịp thời với tổng kinh phí trên 3.159 tỷ đồng, tạo động lực nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.
Năm 2019, toàn tỉnh có 66 xã, 696 bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2024 giảm còn 54 xã và 557 bản. Năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 25.400 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 28,2%. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 3,93%/năm. Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 là 18,36 triệu đồng, tăng 2,84 triệu đồng so với năm 2020. Đặc biệt, các chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ trên 1.000 hộ nghèo làm nhà ở, giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động dân tộc thiểu số. Kết quả này góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Đại hội đề ra phương hướng hoàn thành 11 mục tiêu cụ thể; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029 và Quyết tâm thư phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Dịp này, một tập thể, 10 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 19 tập thể, 50 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.