Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động lớn tới đời sống của người dân, hạ tầng đường sá, sản xuất nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực kinh tế... Bão qua đi để lại những bài học về kinh nghiệm ứng phó, cùng với đó là các giải pháp bền vững và dài hạn để chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây là những giải pháp, hành động cần có theo tinh thần Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn.

Theo báo cáo của Chính phủ, bão số 3 và mưa, lũ đã làm 323 người chết, 22 người mất tích và 1.978 người bị thương. Đồng thời làm 283.383 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 122.415 nhà bị ngập; 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 36.310 ha và 11.835 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi… Về cơ sở hạ tầng, có 14 sự cố đường dây 500kV, 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại; 9.235 trạm BTS bị mất liên lạc; 3.755 điểm trường, 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại. Do bão và mưa lũ, tại 15 tỉnh, thành đã xảy ra 803 sự cố đê điều; 2.283 công trình thủy lợi, 1.318 công trình nước sạch bị hư hỏng. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.703 tỉ đồng.

Những con tàu chở khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tan hoang trong bão số 3.

Thiệt hại lớn từ bão số 3 đã cho thấy những tác động, thách thức ngày càng gia tăng từ hiện tượng thời tiết cực đoan. Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão mạnh hơn, trong bối cảnh diện tích rừng suy giảm, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích ao hồ bị lấp dần hoặc xóa sổ… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra việc ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, kể cả đô thị miền núi do quá trình đô thị hóa, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.

Ông Thái Bá Ngọc, chuyên gia về địa chất môi trường, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra đánh giá sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina khiến thời tiết phức tạp, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường, tác động mạnh hơn khiến mưa lớn, lũ lụt, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và kéo dài. Ngoài ra, tại các sông hoặc sườn dốc có độ dốc cao và các mái dốc chịu tác động của hoạt động của con người như phá rừng và cắt xẻ dốc có khuynh hướng phổ biến xảy ra tai biến địa chất. Điều này cũng lý giải nguyên nhân nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở tại Làng Nủ (Lào Cai) cũng như các tỉnh vùng núi.

Trận lũ ống, lũ quét đã cuốn phăng gần như hoàn toàn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Tại hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng sau siêu bão Yagi. Đó là, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa; lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng chống, khắc phục hậu quả. Các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Về lâu dài, nhiệm vụ quan trọng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là cần phải tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ. Tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời hoàn thành phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh việc xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét…

Vết tích của trận lũ ống, lũ quét kéo dài từ đỉnh núi Voi xuống nơi ở của hàng trăm người dân Làng Nủ (Lào Cai).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Lựu, điều phối viên Chương trình thạc sĩ Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước (trường Đại học Việt Đức) cũng cho rằng cơ quan chức năng cần làm tốt quy hoạch nhà ở lưng chừng núi và thung lũng, cần trồng rừng phủ kín đồi núi trọc; lắp đặt các rọ đá, lưới sắt ở các lưng chừng núi để chống sạt trượt và rửa trôi đất. Trước mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chuyên môn cần làm khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét và có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết.

Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Bởi vậy, cần thiết đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo, đánh giá nguy cơ thiên tai, sạt lở, lũ ống, lũ quét... Cùng với đó, phát triển hạ tầng phải gắn liền với phòng, chống thiên tai; đánh giá, dự báo đầy đủ tác động từ các yếu tố địa chất, dòng chảy… trong quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khi triển khai dự án; đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phòng chống lũ như đê điều, kè biển… tính đến yếu tố phòng tránh thiên tai cấp độ cao.

Bão và hoàn lưu bão số 3 gây ngập nặng kéo dài tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Về giải pháp bền vững và dài hạn để có được nền kinh tế chủ động thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần phải thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã và sẽ phê duyệt các đề án bảo vệ môi trường. Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nếu áp dụng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ trên thế giới đang là xu thế. Trong sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực phát thải cao như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đều phải có các giải pháp hành động quyết liệt, đồng bộ để giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh

Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão gần đây mạnh hơn, diện tích rừng suy giảm, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích ao hồ bị lấp dần hoặc xóa sổ. Đặc biệt, bão số 3 và mưa lũ vừa qua đã khiến 26 tỉnh, thành phố chịu tác động thiệt hại cả về con người, tài sản và hạ tầng kinh tế, bị thiệt hại về rừng với 189.982 ha. Con số này còn chưa kể diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt do chưa thống kê được. Theo các chuyên gia, rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất và nếu có độ che phủ rừng tốt, chất lượng rừng cao thì rừng sẽ là lá chắn bảo vệ con người trước những biến cố của thiên nhiên.

Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: So với 10 năm trước, năm 2023, diện tích rừng Việt Nam đã tăng từ 13,9 triệu ha lên 14,86 triệu ha và tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 41% lên 42,02%. Diện tích rừng trồng tăng từ 3,5 triệu ha lên 4,7 triệu ha, trong khi diện tích rừng tự nhiên giảm nhẹ từ 10,3 triệu ha xuống còn hơn 10,13 triệu ha. Khi độ che phủ rừng tự nhiên cao sẽ giúp ngăn chặn một phần lớn nước mưa, giảm thiểu nguy cơ xói mòn đất và lũ lụt, đặc biệt ở vùng đồi núi dốc. Độ che phủ giảm, tình trạng xói mòn và dòng chảy bề mặt tăng lên đáng kể, dẫn đến các vấn đề lũ lụt và sạt lở.

Khu tái định cư thôn Làng Nủ được xây dựng tại khu vực Đồi Sim, có địa hình cao, rộng rãi, đảm bảo an toàn, cách vị trí xảy ra trận lũ quét khoảng 2 km.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, diện tích rừng nguyên sinh như ngày xưa ở khu vực miền núi phía Bắc không còn nhiều. Đa phần diện tích này đã được khôi phục bằng các biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng mới. “Đợt thiệt hại do bão số 3 vừa qua chính là bởi lượng nước quá lớn, ngấm vào trong đất sâu hơn cả tầng rễ cây rừng, kể cả những khu vực rừng tự nhiên chất lượng tốt. Khi nước đã ngấm sâu qua tầng rễ thì gây ra sạt trượt âm. Khi đó giá trị của phòng hộ cây rừng và đặc biệt là hệ thống rễ để ổn định kết cấu đất không còn tác dụng”, ông Hà Công Tuấn nêu ra.

Với những diện tích rừng dù đã khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới, ông Hà Công Tuấn cho rằng vẫn chưa đạt đến độ tuổi khoảng 15 - 20 năm trở lên thì bộ rễ chưa sâu và lớn để giúp kết cấu đất được tăng cường. Mặt khác, tác động của phát triển kinh tế - xã hội buộc phải phát triển những công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện và những công trình dân sinh, như nhà dân ở chân núi, tạo ra kết cấu bị hẫng chân, gây sạt trượt rất cao.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm Lâm, các loại rừng đều có tác dụng phòng hộ. Đối với khu vực đầu nguồn đều được quy hoạch thành rừng phòng hộ và hầu hết là rừng tự nhiên. Rừng trồng chủ yếu khu vực hạ lưu, vùng núi thấp, gắn với phát triển đời sống, kinh tế - xã hội của người dân. Quy hoạch cùng với chiến lược phát triển lâm nghiệp cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo các mục tiêu chính như: tỷ lệ che phủ rừng; năng suất, chất lượng rừng trồng; tăng chất lượng rừng tự nhiên để nâng cao sự phòng hộ, bảo vệ môi trường.

Không chỉ miền núi, ở ven biển những diện tích rừng phòng hộ được trồng nhiều năm qua, nhưng với sóng gió quá mạnh, vẫn gây gãy đổ cây rừng, sạt lở ven biển. Điển hình hơn 64 ha rừng thông ở Quảng Ninh được trồng và chăm sóc hàng chục năm nhưng vẫn không thể chống đỡ được với sức gió giật cấp 17 của bão số 3.

Sau bão số 3, nhiều diện tích rừng ở Quảng Ninh bị ngã đổ, đối mặt với nguy cơ cháy, cây gỗ tận thu chỉ có thể làm củi.

Là địa phương bị thiệt hại về rừng lớn nhất vừa qua, ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh chia sẻ, thiệt hại sẽ làm giảm tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh rất mạnh, có thể trên 10%. Bình quân mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh chỉ trồng mới được khoảng 13.000 ha rừng tập trung. Nhưng bão số 3 vừa qua gây ra diện tích bị thiệt hại tương đương với 10 năm trồng rừng của địa phương. Quảng Ninh sẽ cần thời gian rất dài để khôi phục lại được rừng bị thiệt hại.

Đảng, Nhà nước luôn rất quan tâm đến đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều cơ chế, chính sách cùng với nguồn tài chính ngân sách cho lâm nghiệp cũng được tăng cường, như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những vùng khó khăn như miền núi phía Bắc, Trung Bộ hay Tây Nguyên… có diện tích rừng lớn thì mức đầu tư chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Theo ông Hà Công Tuấn, các chính sách đầu tư cho chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cần tính toán, hoàn thiện lại. Theo đó, cần tăng cường đầu tư cho việc khảo sát, đánh giá, giám sát chất lượng rừng cũng như suất đầu tư để người dân đủ tiền trồng những cây loại lâu năm có giá trị phòng hộ cao và có bộ rễ ngậm nước tốt. Nếu chỉ đầu tư từ 10 - 20 triệu đồng/ha thì người dân cũng chỉ có thể đầu tư vào trồng keo, bạch đàn.  

Khu vực miền núi phía Bắc với địa hình đồi dốc, khi trồng rừng hay phát triển các công trình cơ sở hạ tầng, trước hết cần đánh giá rất kỹ về địa chất. Lấy lượng mưa của những năm cực đỉnh như mưa sau bão số 3 vừa qua để hoạch định giải pháp chống sạt lở cao hơn. Phát triển rừng phòng hộ phải chọn những cây rừng có bộ rễ sâu, khả năng giữ nước tốt và tốt nhất là sử dụng những giống cây bản địa.

Quy hoạch, trồng rừng phòng hộ được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu của từng vùng.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức từ 42 - 43%; giai đoạn 2021 - 2025 có 10% và giai đoạn 2026 - 2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.

Với mục tiêu trên, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, việc quy hoạch rừng phòng hộ phải được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu của từng vùng. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, phải ưu tiên những khu vực có nguy cơ cao về xói mòn và sạt lở đất, nơi mà khả năng giữ nước và ngăn lũ; điển hình như khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ở các vùng duyên hải, đặc biệt là khu vực miền Trung, việc quy hoạch các khu rừng phòng hộ chắn gió, chắn sóng là cũng rất quan trọng do những khu vực này không chỉ đối mặt với bão lớn mà còn chịu ảnh hưởng của hiện tượng xói lở bờ biển, tình trạng cát bay. 

Theo ông Trần Quang Bảo, các tỉnh, thành phố dựa theo tình hình thực tế của địa phương, rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch lâm nghiệp.

Siêu bão số 3 là minh chứng rõ nét về sự nguy hiểm của hiện tượng thời tiết cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hư hỏng hoàn toàn, mưa lũ gây ngập lụt đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần quy hoạch vùng hợp lý với điều kiện tự nhiên, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và nhất là xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp cho mọi tình huống thiên tai.

Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập trong bão số 3, sau đó cầu phao được lắp đặt để ô tô con và xe thô sơ có thể qua sông.

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy hoạch vùng là cơ sở cho các địa phương rà soát các quy hoạch, kế hoạch của địa phương để điều chỉnh phù hợp gắn với thúc đẩy liên kết vùng. Dù vậy, nội dung về liên kết vùng trong quy hoạch đều nhấn mạnh việc xử lý các vấn đề môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép các nội dung về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hoàn thiện chính sách, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành và địa phương cần xác lập quyết tâm cao với sự vào cuộc của cả hệ thống, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, các địa phương trong vùng. Đồng thời, kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Cùng đó, tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định trong các quy hoạch vùng; trong đó, ưu tiên triển khai các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thích ứng hiệu quả với nước biển dâng và tác động của biến đổi khí hậu, các vùng phát triển hài hòa, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh…

Cầu Long Biên (Hà Nội) trong và sau bão số 3.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Dư Minh, Trưởng phòng Thẩm định dự án đầu tư phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc với gần 80 đô thị chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu là các đô thị đại diện cho hệ thống đô thị ven biển, ven sông, khu vực đồng bằng hay hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên chịu ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, giảm nguồn nước ngầm… thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới do nguồn lực còn rất hạn chế, biến đổi khí hậu và các hiện tượng của thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, khó dự báo.

Đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu với 2 giai đoạn (từ 2013 - 2020 và từ 2021 - 2030) đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai. Hiện nay, để phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cần một số giải pháp mang tính nguyên tắc. Bên cạnh triển khai nhiệm vụ, giải pháp sẵn có, chính quyền đô thị cần bám sát giải pháp mang tính cơ bản, cụ thể trong phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo việc vận dụng, tận dụng các nguồn lực phát triển đô thị trong thực tiễn được hiệu quả và tối ưu hóa. Theo đó, quy hoạch đô thị bền vững, xây dựng các kế hoạch quy hoạch đô thị tích hợp có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng sạch và giảm thiểu phát thải nhà kính; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và các phương án ứng phó khẩn cấp cho các tình huống thời tiết cực đoan; phát triển và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm khí thải và tắc nghẽn; xây dựng công trình xanh.

Thủy điện Thác Bà xả lũ và những hệ lụy.

Về phần mình, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, trong hơn 5 năm qua, quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng đã thực hiện rất tốt và đến nay chưa xảy ra một sự cố đáng tiếc nào. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện không theo quy luật là mối đe dọa thường xuyên, trực tiếp đến việc vận hành an toàn các công trình thủy điện, cũng như chống lũ cho khu vực hạ lưu hồ chứa. Việc dự báo chính xác thời tiết, lượng mưa theo từng thời điểm trong cả năm sẽ giúp cho việc vận hành các công trình thủy điện an toàn và hiệu quả.

Cơ quan khí tượng dự báo, dưới trạng thái La Nina, từ tháng 10 - 12/2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện cao hơn trung bình nhiều năm từ 4 - 5 cơn. Vì vậy, cần rà soát tương tự các quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa tại các lưu vực sông trên cả nước nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình thủy điện, cũng như an toàn cho người dân vùng hạ lưu công trình.

Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo bão và mưa lũ để ứng phó với thiên nhiên trong điều kiện khí hậu biến đổi cực đoan. Cùng đó, tăng công suất dự phòng nguồn nhiệt điện cho miền Bắc để tránh phải tích nước quá nhiều trên các đập thủy điện cho mùa khô trước lũ tiểu mãn.

Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và giảm thiểu phát thải nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài: Nguyễn Huyền - Bích Hồng - Thúy Hiền - Thu Hằng - Đức Dũng
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà

27/10/2024 06:10