Cuộc đối thoại giữa lịch sử và nghệ thuật

Lần đầu tiên tại lễ hội “Thiết kế sáng tạo” năm 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô như: Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Nhà hát Lớn Hà Nội, Đại học Tổng hợp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Tuyến phố Tràng Tiền được “đánh thức”, dẫn bước người dân hòa mình vào dòng chảy thời gian của quá khứ, hiện tại và tương lai; hòa nhập vào không gian sáng tạo trên nền tảng lịch sử, ký ức cộng đồng…

Video chia sẻ của các nhà sáng tạo, kiến trúc sư... về lễ hội "Thiết kế sáng tạo 2024":

“Đánh thức” thánh đường hàng trăm tuổi

Tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), với màu sơn trầm vàng quen thuộc, cánh cửa sắt uy nghiêm, cạnh những bóng xà cừ cổ thụ, một công trình mang kiến trúc Pháp cổ kính nằm trên phố Lê Thánh Tông, dường như đã hằn sâu vào tâm trí của nhiều người và trở thành điểm check-in quen thuộc của giới trẻ. Song, đây là lần đầu tiên tòa nhà này được mở cửa đón người dân, du khách trải nghiệm, khám phá kiến trúc, lịch sử nơi đây…

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) -  “Thánh đường” tri thức gần trăm tuổi.

Trong khuôn khổ lễ hội “Thiết kế sáng tạo 2024”, các nghệ sĩ đã “đánh thức” thánh đường hàng trăm năm tuổi, mở ra cuộc đối thoại đặc biệt mang tên “Cảm thức Đông Dương”, với 22 tác phẩm trưng bày và sắp đặt ánh sáng... Đó không chỉ là một triển lãm nghệ thuật thông thường, mà còn là hành trình khám phá đầy bất ngờ về một giai đoạn lịch sử quan trọng trong phát triển văn hóa, nghệ thuật và giáo dục của Việt Nam, là cuộc đối thoại đặc biệt.

Chú thích ảnh
Hàng dài người xếp hàng, chờ đến lượt trải nghiệm không gian tại tòa nhà.

“Mỗi tác phẩm trong triển lãm là một mảnh ghép trong tổng thể câu chuyện về ‘Cảm thức Đông Dương’. Chúng tôi không chỉ muốn tái hiện lịch sử mà còn mong muốn tạo ra cuộc đối thoại giữa di sản và nghệ thuật đương đại, giữa quá khứ và hiện tại”, Giám tuyển Tổ hợp “Cảm thức Đông Dương” Nguyễn Thế Sơn, giảng viên ngành Nghệ thuật thị giác (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cụm các tác phẩm trang trí với đèn chùm của kiến trúc sư Lê Phước Anh và tác phẩm trình chiếu 3D mapping của hoạ sĩ Phạm Trung Hưng vẽ lại hình hai con chim phượng hoàng.

Bước qua cánh cổng sắt lịch sử là không gian sảnh chính ngập tràn ánh sáng… Tác phẩm sắp đặt ánh sáng của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế tại các ô cửa kính, giúp người xem gợi nhớ lại những ý niệm thiết kế hoa sắt lấy cảm hứng từ những chiếc bóng đèn, như tượng trưng cho ánh sáng tri thức đã đang thắp sáng cho ngôi trường này trong gần một thế kỷ qua…

Chú thích ảnh
Hai con chim phượng hoàng được họa sĩ Phạm Trung Hưng vẽ lại bằng công nghệ trình chiếu 3D Mapping.

Hướng mắt lên mái vòm giữa sảnh chính là cụm các tác phẩm trang trí với đèn chùm của kiến trúc sư (KTS) Lê Phước Anh, tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ trên chất liệu mika dẫn sáng có khắc chìm, gợi cảm hứng bức đồ án thiết kế trang trí tòa nhà Đại học Đông Dương của kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard. Trong đó, điểm nhấn là hình hai con chim phượng hoàng đã bong mờ theo thời gian, nhưng được họa sĩ Phạm Trung Hưng vẽ lại rõ nét và sống động hơn bằng công nghệ trình chiếu 3D Mapping. Sự sắp đặt liên kết các tác phẩm, giữa toàn bộ chiều sâu hướng lên mái của sảnh chính tạo nên “một đại tác phẩm” lộng lẫy, gợi cái nhìn độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật Đông Dương và Việt Nam từ quá khứ đến đương đại.

Kết nối quá khứ và hiện tại

Chú thích ảnh
Khung cảnh bên ngoài Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ).

Mỗi người dân Việt Nam đều biết rằng Cách mạng tháng Tám thành công tại Hà Nội vào ngày 19/8/1945, song không phải ai cũng biết “mốc son” đánh dấu sự thành công này là khi quân ta chiếm Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Nhà khách Chính phủ hiện nay). Khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra tháng 12/1946, Bắc Bộ phủ là một trong những nơi quân Pháp tập trung lực lượng mạnh để chiếm lại… “Chi chít những vết sẹo lồi lõm” hằn sâu trên hàng rào kiên cố, thậm chí có những thanh sắt bị xuyên thủng, những mẩu kim loại còn găm lại trên thanh sắt... đó là vết tích lịch sử, ghi dấu những đợt hỏa lực quân Pháp dội mạnh mẽ vào Bắc Bộ Phủ trong những ngày tháng đó…

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Những vết đạn gần 80 năm tuổi tại Nhà khách Chính phủ.

“Chúng tôi dùng màu hồng vẽ lên những vết đạn cũ để tạo lên sự tươi mới, trẻ trung nhưng vẫn nhắc nhở các bạn trẻ luôn ghi nhớ những ngày tháng hào hùng của cha ông ta. Bởi đây là những dấu vết lịch sử, dấu vết mà thế hệ đi trước đã hy sinh mồ hôi, xương máu, để có được công cuộc đổi mới như ngày hôm nay...”, nhà điêu khắc Nguyễn Tuấn Hoàng, nhóm sáng tạo không gian sáng tạo Bắc Bộ Phủ trải lòng.

Chú thích ảnh
Những Pavilion là điểm nhấn không thể bỏ lỡ tại lễ hội "Thiết kế sáng tạo 2024".

Bên cạnh những công trình kiến trúc lịch sử lâu đời, tại lễ hội thiết kế sáng tạo, các kiến trúc sư, họa sĩ… đã sáng tạo và kết nối 3 công trình biểu tượng Pavilion với các công trình biểu tượng. “Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại cần ngôn ngữ biểu đạt. Tôi cho rằng những Pavilion có thể tạo ra những ngôn ngữ nghệ thuật thú vị, vừa có tính biểu trưng, tính suy tư; vừa có tính kết nối, tính hội nhập sáng tạo như các nước trên thế giới đang theo đuổi … đặc biệt mỗi Pavilion cũng góp phần khai thác, ‘đánh thức’ các di sản lịch sử của Thủ đô …”, TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết.

Chú thích ảnh
Các em nhỏ say sưa trải nghiệm Pavilion “Hành lang thơ ngây” tại Cung thiếu nhi Hà Nội. 

Pavilion “Hành lang thơ ngây” bắt đầu và kéo dài “vô tận” qua dãy các hành lang, khoảng sân Cung thiếu nhi Hà Nội, điểm giao giữa các hành lang trở thành những khối trưng bày chính và cũng là một điểm dừng để nhìn lại những hành lang cũ - mới đan xen. Pavilion “Dòng” là một cụm 2 công trình kiến trúc được đặt tại khu vực Bắc Bộ phủ và vườn hoa Diên Hồng, đưa công chúng đi từ một không gian “mở” (Vườn hoa Diên Hồng) đến không gian “đóng” (bên trong Bắc Bộ Phủ) và điểm kết là một khu vườn nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Pavilion “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Đặc biệt là Pavilion “Rồng rắn lên mây” (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) không chỉ tạo ra một điểm nhấn kiến trúc, mà còn hòa nhập, đối thoại với cảnh quan của bảo tàng… Mỗi công trình biểu tượng được sắp đặt để tương tác với di sản, tạo ra cuộc đối thoại với cảnh quan của bảo tàng. Qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển và cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Nhiều nhóm bạn trẻ thích thú với trò chơi giải mật mã, khám phá lịch sử, nghệ thuật sáng tạo tại Cung thiếu nhi Hà Nội.

“Chúng tôi rất hào hứng trải nghiệm các trò chơi, khám phá lịch sử, kiến trúc tại Cung thiếu nhi; đặc biệt là trò chơi giải mật mã để trải nghiệm từng không gian sáng tạo và tìm hiểu các ý tưởng kiến trúc, nghệ thuật nơi đây…”, Thu Phương (sinh viên năm cuối, trường Đại học Ngoại ngữ) chia sẻ.

Với góc nhìn mới lạ trong không gian giao thoa giữa lịch sử hào hùng và tinh hoa nghệ thuật gắn với 7 công trình di sản tiêu biểu của Thủ đô, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và cảm hứng sáng tạo lan tỏa, thu hút nhiều thế hệ trải nghiệm, khám phá… Những hàng dài người xếp hàng tại sảnh chính Đại học Tổng hợp; những nhóm bạn trẻ, những gia đình nhiều thế hệ say sưa, chăm chú nghiên cứu bản đồ, giải câu đố tại Cung thiếu nhi… đã tạo ra sự kết nối, sự hứng khởi của nhiều tầng lớp nhân dân… hướng về những giá trị lịch sử, những giá trị nghệ thuật được sáng tạo trên nền tảng lịch sử, ký ức cộng đồng…

Một số hình ảnh về các công trình di sản của Thủ đô tại lễ hội:

Chú thích ảnh
Những mô hình sáng tạo, bắt mắt được sắp xếp tại nhiều không gian trong Cung thiếu nhi. 
Chú thích ảnh
Triển lãm nâng cao nhận thức về phổ tự kỷ "Chèo méo" tại khuôn viên Ấu Trĩ Viên, Cung thiếu nhi Hà Nội. 
Chú thích ảnh
Tổ hợp triển lãm sắp đặt được các nhà sáng tạo, kiến trúc sư... thiết kế tại Nhà khách Chính phủ. 
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Người dân tìm hiểu lịch sử tại Nhà khách Chính phủ.
Chú thích ảnh
Những kiến trúc, hoa văn độc đáo tồn tại gần trăm năm tại tòa nhà Đại học Tổng hợp. 
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Những ý tưởng kiến trúc đạt giải thưởng thu hút sự chú ý của các bạn trẻ. 
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Các em nhỏ cùng gia đình trải nghiệm các trò chơi tại tuyến phố Tràng Tiền.
Hồng Phượng/ Báo Tin tức
Khoảng 30.000 người trải nghiệm Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sau hai ngày đầu tiên
Khoảng 30.000 người trải nghiệm Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sau hai ngày đầu tiên

Sau hai ngày đầu tiên của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 (diễn ra từ 9-17/11/2024), đã có khoảng 30.000 khách tham dự tại các địa điểm diễn ra lễ hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN