Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an); Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) với Cục Phòng, chống ma túy, Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào, tiếp tục nắm chắc tình hình, kịp thời phối hợp chặt chẽ để xác lập và cùng nhau đấu tranh chuyên án chung bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy hoạt động trên lãnh thổ hai nước Việt Nam, Lào, nhất là tại khu vực biên giới, trong thời gian tới... Đó là thông tin đưa ra tại Hội nghị giao ban về Công tác phòng, chống ma túy lần thứ 12 giữa 3 đơn vị nói trên của hai quốc gia Việt Nam, Lào, sáng 26/12 ở Hà Nội.
Theo báo cáo tại Hội nghị, tuyến biên giới Việt Nam – Lào, tiếp giáp với 10 tỉnh, gồm Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, trong đó có 16 cửa khẩu quốc gia và hàng ngàn đường mòn. Tuyến biên giới này được đánh giá là tuyến trọng điểm, phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy. Loại ma túy được các đối tượng vận chuyển đa dạng, song chủ yếu là heroin, ma túy tổng hợp dạng đá và hồng phiến. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm rất tinh vi, xảo quyệt và ngày càng manh động. Đối tượng tội phạm ma túy trên tuyến biên giới chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đóng vai trò cảnh giới, môi giới, vận chuyển… được thuê với số tiền nhất định, số ít hình thành các cơ sở tập kết sát biên giới để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ba đơn vị của hai quốc gia đã có nhiều cố gắng, tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh với loại tội phạm này tại mỗi nước cũng như tham gia các diễn đàn, hoạt động chung của các nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, hành lang kinh tế Đông – Tây. Trong đó, các lực lượng cấp tỉnh, huyện khu vực đối biên đã chú trọng phối hợp phát hiện, bắt giữ, ngăn chặn từ xa nguồn ma túy thẩm lậu vào nội địa. Các lực lượng phòng, chống ma túy 10 tỉnh biên giới Việt Nam – Lào đã tổ chức 255 đợt tuần tra song phương dọc biên giới; triệt phá 17 tụ điểm phức tạp; xác lập, tổ chức đấu tranh thành công 98 chuyên án, bắt giữ 4.254 vụ với 5.768 đối tượng, thu giữ 496,91 kg heroin, 584 kg ma túy tổng hợp và 560.335 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều phương tiện tài sản khác.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, do nhiều nguyên nhân, tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào đang là một trong những địa bàn nóng bỏng, phức tạp nhất về hoạt động của tội phạm về ma túy. Đặc biệt thời gian gần đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát hiện tại các địa bàn của Lào giáp với Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa của Việt Nam và một số nơi có dấu hiệu phức tạp trở lại như Nghệ An, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum giáp ranh với tỉnh A Ta Pư của Lào (khu vực cửa khẩu Phu Cưa) tình trạng tội phạm về ma túy hoạt động phức tạp.
“Trước tình hình trên, tại hội nghị, ba lực lượng cùng nhau đánh giá cụ thể tình hình, kết quả thực hiện Biên bản ghi nhớ lần thứ 11 trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm về ma tuý tại tuyến biên giới Việt Nam, Lào; rút ra những vấn đề đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân vì sao dẫn đến; thảo luận thống nhất nội dung hợp tác trong thời gian tới giữa ba lực lượng. Đoàn đại biểu của ba đơn vị thẳng thắn cùng nhau trao đổi, bàn bạc thống nhất các nội dung cụ thể, nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được thời gian qua, đưa quan hệ hợp tác, phòng chống tội phạm về ma túy giữa 3 Cục nghiệp vụ của hai quốc gia lên tầm cao mới, sâu sắc hơn và hiệu quả hơn”, Thiếu tướng Phạm Văn Các nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thượng tá In Pông – Chăn Thạ Vông Sả, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy Bộ An ninh Lào khẳng định, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy của Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Việt Nam, đặc biệt là với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, công an các tỉnh có đường biên giới chung tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, giảm tội phạm ma túy tại địa bàn biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia.