Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật để nâng cao hiệu quả thực thi

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo "Các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hội thảo là sự cụ thể hóa Thông báo số 1672/TB-TTKQH ngày 9/4/2018 của Tổng Thư ký Quốc hội; Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp lần thứ 22.

Bộ trưởng khẳng định thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Bên cạnh nhiều việc đã làm được góp phần đưa pháp luật đến với người dân, giúp người dân hiểu và làm theo pháp luật vẫn còn những điểm cần tiếp tục khắc phục để tăng cường hiệu quả công tác này trong thực tế.

Bộ trưởng nêu Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giao nhiệm vụ này là trách nhiệm chung cho cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả đạt được  vẫn còn dàn trải, chưa được như mong muốn, do đó, cần phải tiếp tục tác động đến ý thức và nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí công tác này; cá thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị. Bộ trưởng đề nghị, với nguồn lực có hạn, cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn mới nhằm đa dạng hình thức để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở nên cuốn hút và việc tổ chức sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được hoàn thiện; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch trung hạn, dài hạn và hằng năm về phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành và triển khai thực hiện trong cả nước để tập trung nguồn lực với nhiều giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng đặc thù.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới, bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu xã hội, với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, hiệu quả được nâng lên...

Tại hội thảo các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới. Ông Nguyễn Mạnh Hào (Liên minh hợp tác xã Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả trong công tác tuyên truyền, cần lựa chọn đúng, trúng đối tượng; nội dung tuyên truyền phải sát với đối tượng tham gia; cách thức phổ biến đa dạng, phong phú, phù hợp và quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Văn Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) để tuyên truyền hiệu quả cần tập trung vào 3 nội dung lớn: người tuyên truyền là ai; đối tượng hướng tới của công tác tuyên truyền và người làm công tác tổ chức. Hình thức tuyên truyền thích hợp là điểm mấu chốt quyết định hiệu quả của công tác tuyên truyền- ông Hà Nhấn mạnh.

Bà Đào Thị Vi Phương (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết các cấp hội phụ nữ đặc biệt chú ý tuyên truyền tới nhóm phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, bà Phương cho biết cần lượng hóa đối tượng hướng tới thành các nhóm để dễ tiếp cận trong phổ biến pháp luật. Các cấp hội phụ nữ đa phần lựa chọn mô hình đối thoại chính sách trong tuyên truyền cho hội viên, đặc biệt cần phải tìm hiểu các vấn đề của địa phương để lựa chọn nội dung tuyên truyền sát hợp...

Nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh tới việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nắm vững pháp luật; đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến tuyên truyền miệng; xây dựng tài liệu tuyên truyền phù hợp; cần chú ý nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền...

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính liên quan đến lý lịch tư pháp
Phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính liên quan đến lý lịch tư pháp

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN