Nhiều đại biểu quan tâm tới gian lận trong thi cử
Quan tâm đến Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 vừa qua đã xảy ra gian lận nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: Đây là loại tội phạm gì, có mới không, những năm trước đã có chưa, Bộ Công an có bất ngờ với loại tội phạm này không và cần làm gì để đấu tranh chống loại tội phạm thi cử này một cách hiệu quả trong những kỳ thi tới?
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, vừa qua, Bộ đã phối hợp với công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến những người tham gia chấm thi, quản lý bài thi, đề thi đã có vi phạm. Đây là những thủ đoạn mới đã được phát hiện năm 2016. Trong các kỳ thi trước cũng đã có thủ đoạn gian lận, Bộ Công an đã phối hợp tốt với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án tránh gian lận trong kỳ thi. “Gian lận trong thi cử có rất nhiều thủ đoạn và chúng tôi cho rằng việc này không phải năm 2018 mới có, có thể từ năm trước đã có tình trạng gian lận trong thi cử”, Bộ trưởng nói.
Dẫn chứng được Bộ trưởng đưa ra là lực lượng chức năng đã khảo sát các học sinh có điểm đầu vào đại học rất cao, nhưng khi học có yêu cầu cao thì không học được. Để phòng chống hoạt động này, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu khép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.
Băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đặt ra một loạt câu hỏi: Bao lâu sẽ có kết quả điều tra? Ngoài các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, có mở rộng phạm vi điều tra ra các tỉnh, thành phố khác? Phạm vi điều tra có mở rộng ra những năm trước nữa hay không?
Viện dẫn phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm thời vẫn phải tuyển sinh theo kết quả đã công bố, bà Hải băn khoăn: Nếu tuyển sinh theo kết quả gian lận thì vô hình trung ảnh hưởng tới chỗ học của các thí sinh khác, nhất là những học sinh đang ở mức điểm chấp chới gần với mức điểm trúng tuyển.
Bộ trưởng Tô Lâm giải thích, đây là vụ án đang điều tra, lực lượng điều tra muốn tập trung kết thúc nhanh, nhưng phải bảo đảm vạch trần được tội phạm, nêu được hành vi vi phạm, có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng. Chỉ khi nào hoàn thành được yêu cầu đó thì mới kết thúc được. Thời gian đầu, dự kiến điều tra trong vòng 4 tháng, chưa xong phải tiếp tục rà soát. “Chúng tôi không dám hứa trước về mặt thời gian. Chúng tôi mới khởi tố điều tra, bắt giữ đối tượng. Trong khi điều tra nếu liên quan đến đối tượng khác lại phải tiếp tục điều tra”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định về phạm vi điều tra, không phải chỉ ở 3 địa phương này, nếu phát hiện ở những địa phương khác có tình hình như vậy, Bộ vẫn tiếp tục xử lý. “Không có giới hạn nào để tội phạm không bị vạch trần”, Bộ trưởng khẳng định và nêu rõ, “kể cả những năm trước nếu phát hiện có vi phạm thì chúng tôi vẫn sẽ điều tra, không để lọt bất cứ ai có liên quan đến gian lận trong thi cử”.
Bộ trưởng cũng cho hay, trong quá trình tham gia quản lý, điều hành kỳ thi cũng đã có dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Đối tượng vi phạm bất kể việc nào, kể cả trong nội bộ lực lượng công an, đều bị xử lý một cách thích đáng.
Làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch
Về tình hình kích động biểu tình, gây rối ở một số địa phương thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua phân tích, đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy, trong đó thậm chí có những đối tượng nhiễm HIV bị thuê mướn tham gia biểu tình với số tiền từ 200- 400 nghìn đồng/người/lượt tham gia, với những hành vi rất manh động, liều lĩnh, cốt cán trong gây rối, chống đối người thi hành công vụ, thực hiện hành vi khủng bố, phá hoại... Đây là âm mưu của các thế lực thù địch, hoạt động lưu vong. Ngoài ra cũng có sự bộc phát của người dân khi những kiến nghị chưa được giải quyết, nhưng tội phạm hình sự tham gia vào các vụ gây rối này cũng là con số đáng kể. Điều này gây ra những hình ảnh không tốt, tạo tâm trạng bức xúc trong một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân.
Về giải pháp, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 32, tập trung các hoạt động bảo đảm an ninh, ngăn chặn kích động biểu tình trái pháp luật tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp; tiếp tục nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; triển khai hiệu quả các phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tại các khu công nghiệp, các mục tiêu trọng điểm quan trọng). Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, không để các đối tượng xấu kích động; tiếp tục tấn công truy quét các đối tượng hình sự làm trong sạch địa bàn, quản lý các đối tượng tại cơ sở không để lợi dụng tham gia biểu tình gây rối tại địa phương...
Không để tội phạm lộng hành
Tham gia giải trình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm an ninh trật tự phòng chống tội phạm cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác tham mưu nắm tình hình dự báo tình hình xử lý tình huống trong một số trường hợp còn lúng túng bị động chưa kịp thời. Các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức sử dụng vũ khí, hung khí giết người, cướp của, ma túy xâm hại trẻ em tín dụng đen, sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế tham nhũng, môi trường… gây bức xúc trong dư luận, cần kiên quyết đấu tranh xử lý triệt để.
Những tồn tại hạn chế trên nguyên nhân chủ yếu là do chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Người đứng đầu cấp ủy chính quyền một số nơi chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo. Vai trò của các lực lượng chức năng ở cơ sở có nơi còn hạn chế, chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt tại chỗ đủ mạnh, chưa sâu sát nắm bắt tình hình cơ sở khu dân cư. Một bộ phận cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện bao che. Thậm chí, có trường hợp bảo kê cho tội phạm lộng hành…
Để bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật, của nhà nước về phòng, chống tội phạm. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an, quân đội và các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nếu trên địa bàn lĩnh vực nào để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm phức tạp, kéo dài, hoặc có cán bộ công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Theo Phó Thủ tướng, cần tập trung xây dựng các cơ quan chức năng trong sạch vững mạnh, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác công vụ, giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra phòng, chống tội phạm trong từng cơ quan đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa biến chất. Đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc có hành vi tiêu cực, tham nhũng thì phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quyết tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, liêm chính tuân thủ pháp luật.
“Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động bất ngờ. Tập trung phát hiện, triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng chủ mưu cầm đầu các đường dây, băng, ổ nhóm, trấn áp tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hình sự có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm cho vay nặng lãi, tội phạm kinh tế, tham nhũng, giết người, cướp giật, ma túy, xâm hại trẻ em. Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, trước mắt kéo giảm các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không để tội phạm lộng hành”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp chặt chẽ với tích cực tấn công trấn áp tội phạm.
Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, về pháp luật phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố và tiếp tục xây dựng thế trận an ninh nhân dân; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức quần chúng và nhân dân vào công tác phòng, chống tội phạm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công an triển khai có hiệu quả Đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh để làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm. Chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự; kiểm soát được diễn biến tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời không để xảy ra tình trạng gây rối, bạo loạn, khủng bố, lợi dụng dân chủ để kích động người dân vi phạm pháp luật, trọng điểm là ở các thành phố, các khu công nghiệp, khu kinh tế; phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường; phòng chống cháy, nổ; giải quyết ùn tắc giao thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các thành phố lớn.