Chia sẻ tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Đến nay, những thông tin liên quan đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đề đốc Trịnh Phong và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ để chúng ta nhìn nhận, tôn vinh, giáo dục, quảng bá được xứng tầm hơn".
Thông qua hội thảo này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm rõ thêm về thời điểm lịch sử, quá trình hoạt động hưởng ứng chiếu Cần Vương của Đề đốc Trịnh Phong và hào sĩ ở Khánh Hòa. Những thông tin, kiến thức từ hội thảo sẽ bổ sung thêm vào kho tư liệu liên quan đến quá trình, địa điểm hoạt động, thân thế, sự nghiệp của Đề đốc Trịnh Phong. Từ đó, giúp tỉnh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử nơi cuộc khởi nghĩa diễn ra.
Theo một số tài liệu, ngày 13/7/1885 tại Tân Sở (Quảng Trị), vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy giúp vua chống Pháp, giành độc lập. Hưởng ứng lời kêu gọi, các ông: Trịnh Phong, Lê Nghị, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Nguyễn Sum, Phạm Long… đứng lên thành lập Bình Tây cứu quốc đoàn với khẩu hiệu “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn. Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”, trong đó Trịnh Phong được suy tôn làm thủ lĩnh Bình Tây Đại tướng.
Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ trong hơn 1 năm, tuy nhiên trước thế mạnh của quân Pháp, cùng sự suy yếu của nghĩa quân, tháng 5/1886, phong trào suy yếu dần. Nhưng với những gì các ông Trịnh Phong, Nguyễn Khanh, Trần Đường đã làm, nhân dân Khánh Hòa đã suy tôn các ông là: “Khánh Hòa Tam kiệt”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học) cho biết Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong đến nay vẫn chưa rõ năm sinh. Ông là người làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay là thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Năm 1864, ông đậu cử nhân và làm quan dưới triều Nguyễn đến chức Đề đốc. Ông tham gia phong trào Cần Vương với vai trò thủ lĩnh, đến khi bị bắt và xử chém năm 1886. Người dân cảm kích ân đức nên lén đem xác ông an táng tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang. Hiện vẫn còn đền thờ, miếu thờ và mộ của Trịnh Phong tại tỉnh Khánh Hòa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (102 tuổi) thông tin phong trào Cần Vương tổ chức khởi nghĩa chống Pháp xâm lược, dựng cờ “Bình Tây Đại tướng” từ năm 1885 đến tháng 5/1886. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa khác với các nơi khác; thủ lĩnh là một tướng lĩnh của triều đình nhà Nguyễn; lực lượng nghĩa quân chủ yếu là người Phước Điền, Diên Khánh; vũ khí có súng thần công, súng hỏa mai, gươm giáo, chải ba, câu liêm. Vào giai đoạn cuối của phong trào, vì có kẻ chỉ điểm, quân Pháp bắt được Trịnh Phong ở Ninh Hòa, sau đó đưa về chém, bêu đầu ở gò Sông Cạn thuộc làng Phước Thạnh (huyện Diên Khánh nay), nhân dân qua lại đều thương cảm, kính phục người anh hùng.
“Việc hy sinh của Trịnh Phong cùng các chiến hữu của ông và nghĩa quân Cần Vương chứng minh hào khí của người dân Khánh Hòa luôn trung thành với Tổ quốc. Khi Tổ quốc gặp nạn thì luôn sẵn sàng đứng lên chiến đấu để bảo vệ, dù phải hy sinh cả mạng người”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Khánh Hòa và Thạc sĩ Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đều khẳng định, phong trào Cần Vương Khánh Hòa giành thắng lợi trong hơn 1 năm là do sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của nhiều lực lượng, trong đó có Hội Nam Trung sĩ. Hai tác giả bài tham luận “Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Khánh Hòa 137 năm nhìn lại” mong muốn các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu về lịch sử hào hùng, cũng là nhằm tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ vùng đất Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, việc nghiên cứu về Trịnh Phong và phong trào Cần Vương Khánh Hòa hiện nay vẫn còn rời rạc, chưa có tính logic do nhiều nguyên nhân như sự đan xen của dã sử và sử học thành văn; sự đứt gãy, thiếu tính kế thừa trong nghiên cứu... Ông đề xuất cần thực hiện một nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh về Trịnh Phong và phong trào Cần Vương Khánh Hòa.
Tổng kết hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh: Về xuất thân, dòng dõi, năm sinh, lý do được phong chức Đề đốc của Trịnh Phong cần nghiên cứu thêm, quan trọng là chúng ta cần đánh giá đúng vai trò thủ lĩnh phong trào Cần Vương của ông.
Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất, nhân dân Khánh Hòa hưởng ứng chiếu Cần Vương do Trịnh Phong làm thủ lĩnh ở Khánh Hòa diễn ra rất sớm so với các địa phương khác trong cả nước. Cuộc khởi nghĩa tạo nên sức mạnh to lớn trong lòng nhân dân và là cuộc khởi nghĩa đã có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương Nam Trung Kỳ, Hội Nam Trung nghĩa sĩ. Do đó, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu về Trịnh Phong; địa phương xem xét để có hình thức làm đền thờ, bia tưởng niệm, đặt tên địa danh, tên đường...
Trước đó, chiều 5/7, Ban Tổ chức Hội thảo đã đến dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ và mộ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang. Tại thị xã Ninh Hòa, vở Tuồng “Đề đốc Trịnh Phong trên quê hương Khánh Hòa” được công diễn để người dân địa phương thưởng thức.