Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; lãnh đạo các vụ của Ban Dân vận Trung ương; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao chủ đề, kết quả và những đề xuất của các đại biểu, đồng thời, ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của tỉnh Hải Dương trong xử lý các điểm phức tạp, nổi cộm trên địa bàn tỉnh thời gian qua như vụ công dân xã Lai Vu (huyện Kim Thành) khiếu nại, kiến nghị việc giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp Lai Vu; công dân xã Ứng Hòe (huyện Ninh Giang) khiếu kiện liên quan đến việc xây dựng chợ Đọ. Đây là những kinh nghiệm hay để Hải Dương tiếp tục phát huy, củng cố thêm các giải pháp để thực hiện trong giai đoạn tới. Đánh giá cao cách nhìn trực diện, không né tránh về những hạn chế trong giải quyết khiếu kiện phức tạp, nổi cộm, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Hải Dương tiếp tục phát huy kinh nghiệm, không để phát sinh những vấn đề, vụ việc phức tạp.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng… Nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài do cơ chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện nhất là Luật Đất đai. Đồng thời, một nguyên nhân nữa là sự vào cuộc chậm trễ của các cấp ủy, chính quyền; sự thiếu năng lực của cán bộ và nhà đầu tư; ảnh hưởng của truyền thông, mạng xã hội…
“Nhiều vụ việc lúc đầu đơn giản, ít phức tạp, quần chúng chỉ viết đơn thư khiếu nại, tố cáo ký tên tập thể với số lượng người ít với mục đích đề nghị giải quyết những vướng mắc, nổi cộm ở địa phương. Đa số thái độ của quần chúng ban đầu là đúng mực, mang tính xây dựng, chưa đến mức gay gắt, quyết liệt, nhưng do cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi còn chủ quan, thiếu quan tâm giải quyết, thậm chí có nơi cán bộ cơ sở còn có thái độ né tránh, hách dịch, cửa quyền, nên người dân bức xúc. Do không được giải quyết kịp thời, thấu đáo, người dân bức xúc khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh và lên trung ương, làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh - trật tự xã hội ở địa phương”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, trong thời gian tới Hải Dương phải tích cực vào cuộc xử lý ngay các vụ việc từ khi mới phát sinh, tránh để kéo dài sẽ biến thành điểm phức tạp. Đặc biệt, tỉnh cần nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp, đối với các dự án mà người dân chưa đồng thuận thì Hải Dương nên cân nhắc thận trọng trước khi quyết định triển khai.
Để người dân đồng thuận, Hải Dương cần tăng cường tuyên truyền vận động, thuyết phục để người dân hiểu, thông tin đầy đủ về dự án và thấy được lợi ích từ việc triển khai dự án. Quan trọng nhất là đối với bất cứ dự án, công trình nào cũng phải đặt mình vào vị trí của người dân; đặt lợi ích và quyền lợi hợp pháp của người dân lên hàng đầu trước khi quyết định triển khai. Khi tiến hành thu hồi đất của người dân, chính quyền các cấp cần hết sức quan tâm đến việc ổn định đời sống sản xuất cho người dân; tái định cư và tổ chức dạy nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho những người dân bị ảnh hưởng.
Các tham luận tại hội thảo đã phân tích, dẫn chứng một số vụ việc cụ thể, đồng thời đánh giá làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ hạn chế, yếu kém và đề xuất các giải pháp thực hiện công tác dân vận chính quyền tham gia xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, nổi cộm.
Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Giải quyết bất cứ vấn đề nổi cộm nào phải luôn lấy dân làm gốc; cán bộ không được nảy sinh tư tưởng “ăn thua” với người dân. Dù chính quyền đúng nhưng lòng dân chưa yên thì phải tăng cường giải thích, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, đồng thuận thì mới triển khai các dự án. Đối với các điểm nổi cộm, chính quyền cấp nào quyết định thì phải đứng ra giải quyết, không thể né tránh, đẩy lên cấp cao hơn. Khi xử lý các điểm phức tạp các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ, giải quyết vấn đề phải có lý, có tình, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế địa phương và phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.