Xuyên thủng, đập tan “Tuyến phòng thủ”, “Lá chắn thép”
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). Ảnh tư liệu: Đinh Quang Thành/TTXVN
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (79 tuổi, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), nguyên Đại đội trưởng Đại đội đặc công 311 (Tỉnh đội Ninh Thuận) nhớ lại, năm 1962, ông rời quê hương Bến Tre lên Mật khu R, căn cứ địa cách mạng thuộc Chiến khu Bắc Tây Ninh (Trung ương Cục miền Nam) tham gia huấn luyện, chiến đấu tại mặt trận Đông Nam Bộ. Đến giữa năm 1965, ông được cấp trên điều động về công tác ở Ninh Thuận.
Theo ông Nghĩa, thời điểm đó, đế quốc Mỹ và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tập trung lực lượng quân sự mạnh tại Phan Rang gồm: Sư đoàn 6 không quân; Lữ đoàn 2 dù; Sư đoàn 2 bộ binh; Liên đoàn 31 biệt động quân và bảo an dân vệ ở tiểu khu Ninh Thuận... do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân khu 3 chỉ huy (đóng sở chỉ huy tiền phương tại sân bay Thành Sơn nằm ở phía Bắc, cách thị xã Phan Rang 10 km).
Toàn bộ lực lượng địch với hơn 10.000 người được trang bị đầy đủ, yểm trợ mạnh của pháo binh và hơn 150 máy bay; được tổ chức phòng ngự liên hoàn chặt chẽ trên một địa hình có nhiều lợi thế. Với thực lực đó, chính quyền và Bộ Chỉ huy quân đội Sài Gòn nuôi hy vọng sẽ chặn đứng được Cánh quân Duyên Hải trước cửa ngõ Phan Rang.
Quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975, Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Sư đoàn 3, Quân khu 5 lập tức đánh chiếm Phan Rang, mở thông đường cho các lực lượng từ phía Bắc tiến quân về giải phóng Sài Gòn.
Dù tuổi đã thất thập cổ lai hy nhưng ông Nghĩa vẫn kể rõ từng chi tiết, sau thất bại trên chiến trường Tây Nguyên, quân địch từ Đà Lạt tháo chạy xuống Phan Rang từ Đường 11. Đêm 2/4/1975, tại địa phận các ấp Trà Giang - Sông Mỹ, chúng đã điên cuồng dùng pháo 105 ly bắn phá ác liệt để mở đường xuống Phan Rang, nhưng gặp phải sự chống trả quyết liệt của Đại đội Đặc công 311 và bộ đội địa phương. Lực lượng địch ở quận lỵ K’rông Pha tháo chạy tán loạn.
Để bảo vệ lực lượng chốt giữ trong tuyến phòng thủ, địch liên tục cho máy bay bắn phá các khu vực nghi có lực lượng của ta đóng quân, phá sập cầu cống ở hai hướng Quốc lộ 1 và Đường 11 để ngăn chặn bước tiến của quân ta. Lúc này, ông Nghĩa được Tỉnh đội Ninh Thuận giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội Đặc công 311 thực hiện nhiều cuộc tấn công ngăn chặn, tiêu diệt tàn quân địch từ Đà Lạt tháo chạy theo Đường 11 xuống Ninh Thuận để ra Quốc lộ 1 chạy về Sài Gòn.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, quân chủ lực bắt đầu tiến công, sử dụng trọng pháo và xe tăng đột kích đánh thẳng vào tuyến phòng thủ của địch trên Đường 1 tại khu vực Du Long - Kiền Kiền, các điểm cao 105, 300, Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá... Địch vỡ phòng tuyến, tháo chạy về hướng thị xã Phan Rang. Đến khu vực Ba Tháp - Hộ Diêm, quân địch tiếp tục bị Đại đội Đặc công 311 từ căn cứ Cà Đú xuống đánh tạt sườn gây tổn thất nặng nề. Quân ta chiếm các vị trí dọc Đường 1, Đường 11, áp sát Sân bay Thành Sơn và Cảng Ninh Chử.
Trước nguy cơ tuyến phòng thủ Phan Rang thất thủ, ngày 15/4, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn và Nguyễn Văn Toàn (Tư lệnh Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn) vội vàng bay tới Thành Sơn thị sát tình hình và trực tiếp chỉ đạo, khích lệ tinh thần chiến đấu của binh lính, quyết giữ bằng được Phan Rang.
Trong khi Sư đoàn 3 đang tổ chức tiến công, Quân đoàn 2 cũng đã hành quân tới Phan Rang. Sư đoàn bộ binh 325 Quân đoàn 2 lập tức được tung vào trận. Phương án tiến công Phan Rang mới đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 thống nhất quyết định. Sáng 16/4/1975, lệnh tấn công của ta được phát ra. Lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chử, không cho địch tháo chạy ra biển.
Bên cạnh đó, lực lượng của ta còn phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy. Ở hướng Tây Bắc, Đại đội đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, vượt qua Cầu Sắt vào khu vực Bảo An - Tháp Chàm.
Đến 9 giờ 30 phút ngày 16/4/1975, "là chắn thép" Phan Rang mà địch dựng nên đã được quân ta phá tan, cờ mặt trận giải phóng phất phới tung bay trên đỉnh Tòa hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận. Tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta nhanh chóng tiến hành tấn công vào các tỉnh phía Nam đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc, tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày mới ở “tuyến phòng thủ từ xa Du Long”
Nhiều dự án lớn về phát triển năng lượng tái tạo được đầu tư, góp phần huyện Thuận Bắc phát triển mạnh mẽ.
Giờ đây, vùng đất Du Long (nay là huyện Thuận Bắc) - “tuyến phòng thủ từ xa” của địch gắn với tên làng, tên xóm thân thuộc thời ấy như: Suối Đá, Suối Vang, Kiền Kiền, Bà Râu… vẫn còn đó và đang rực sáng từng ngày. Du Long ngày ấy, giờ đã có khu công nghiệp tạo nhiều việc làm cho con em địa phương. Các dự án năng lượng tái tạo mọc lên san sát đang lắp đầy những hố bom chiến đấu năm xưa. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, chợ, trạm y tế, nước sinh hoạt… đã được phủ khắp. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang; những cánh đồng lúa vàng tỏa ngát hương thơm. Đời sống của đồng các dân tộc ngày càng nâng lên. Các giá trị về văn hóa, lịch sử được gìn giữ và phát huy.
Ông Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết, sau 50 năm giải phóng và 33 năm tái lập tỉnh, Thuận Bắc gặp nhiều khó khăn, thử thách. Được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, tỉnh cùng với sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện đã đoàn kết vượt khó, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Thuận Bắc - cửa ngõ phía Bắc của tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Ông Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc chia sẻ với phóng viên TTXVN về sự đổi thay, vươn mình phát triển của huyện sau 50 năm giải phóng.
Huyện Thuận Bắc hiện có 6 xã với số dân khoảng 48.000 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (Raglai) chiếm 68%. Hiện nay, nhận thức của đồng bào nơi đây đã được nâng lên. Người dân đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên cả 3 mặt gồm: diện tích, năng suất và giá trị sản xuất/ha diện tích.
Bộ mặt nông thôn mới của Thuận Bắc có chuyển biến rõ nét với 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 7 hợp tác xã và 100 tổ hợp tác đang hoạt động, chủ yếu là lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp. Địa phương hiện có 8 dự án điện năng lượng tái tạo, với công suất 857 MW đã hòa lưới điện quốc gia; trên 100 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Nhiều dự án du lịch tầm cỡ như: Natural Paradise Ninh Thuận, Núi Chúa Village, du lịch Bình Tiên đã đi vào hoạt động, doanh thu từ du lịch ước đạt 60 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 29,6%, bình quân hằng năm giảm trên 5%/năm. Địa phương đã giải quyết việc làm cho trên khoảng 6.000 lao động, bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 1.200 lao động; đào tạo nghề cho 1.400 lao động. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đến cuối năm 2024 ước đạt 56 triệu đồng/người/năm (gấp 1,8 lần so với năm 2020).
Một góc của trung tâm hành chính huyện Thuận Bắc.
Nói về “tuyến phòng thủ từ xa Du Long”, người dân nơi đây vẫn mãi khắc cốt ghi tâm sự hy sinh xương máu của quân và dân ta đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, cùng nỗ lực, đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế - xã hội, đưa huyện cất cánh đi lên cùng đất nước trong kỷ nguyên mới.