Trong dự thảo Luật đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Với nội dung xử lý tài sản của thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý thì tôi thấy rằng cơ quan soạn thảo đã đưa ra 2 phương án để xử lý toàn diện và hiệu quả. Quan điểm của chúng tôi thiên về phương án đánh thuế 45% vì phương án này phù hợp với quy định các luật chuyên ngành khác; đặc biệt là quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về xử lý tài sản có nguồn gốc không đúng pháp luật.
Trong trường hợp xác định khối tài sản kê khai chưa đầy đủ, chưa rõ nguồn gốc, nếu theo phương án 2 để xử phạt vi phạm hành chính thì chưa ổn về pháp luật. Trình tự xử lý vi phạm hành chính đòi hỏi hành vi vi phạm và liên quan đến hậu quả, thủ tục phức tạp hơn nhiều.
Luật sư Nguyễn Chiến, đoàn Hà Nội trao đổi với phóng viên. |
Theo ông, cơ quan soạn thảo dựa vào cơ sở nào để đưa ra mức đánh thuế 45%?
Việc này đòi hỏi cơ quan soạn thảo, thẩm định và phải có báo cáo thẩm tra cũng như đưa ra cơ sở tại sao lại đưa ra mức 45%. Khi thảo luận chúng tôi cũng băn khoăn mức 45% thu thuế của luật này với pháp luật về thuế.
Cùng với đó, cũng cần bàn thêm, tức là về khâu kỹ thuật phải xử lý như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ thống nhất giữa các ngành luật với nhau, không bị xung đột. Ở đây đặt ra là xung đột giữa định mức của ngành thuế với quy định cứng 45% của luật này. Chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu thêm để đáp ứng yêu cầu quy định của pháp luật liên quan. Nếu quy định có tính đặc thù thì phải có trách nhiệm giải thích được để tránh khi xử phạt theo luật này mà dẫn đến phát sinh khiếu kiện theo quan hệ pháp luật khác.
Nhiều người băn khoăn nếu chỉ đánh thuế mà không xác minh rõ nguồn gốc tài sản thì đang vô hình chung hợp pháp hóa khối tài sản đó, quan điểm của ông như thế nào?
Vấn đề đặt ra đầu tiên là phải xem xét xem tài sản này có phải là tài sản do tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có hay không, để từ đó loại trừ dần.
Nếu các cơ quan có thẩm quyền xem xét tài sản kê khai không đúng quy định của pháp luật, phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự như tham ô, tham nhũng... thì phải chuyển cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, xử lý, giải quyết theo đúng quy trình tố tụng.
Nếu như tài sản đó là từ thu nhập khác và không phù hợp theo quy định pháp luật thì xem xét xử lý với biện pháp xử lý thuế. Với mức thuế mà cơ quan soạn thảo đặt ra cũng là biện pháp mạnh, đòi hỏi chế tài đánh thuế vào tài sản bất minh không kê khai. Đây cũng là biện pháp hiệu quả đối với những đối tượng kê khai không đầy đủ hoặc không rõ ràng.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan và được đặt ra chức năng trong Luật Phòng, chống tham nhũng này đối với cơ quan hữu quan khác để xử lý phù hợp với tính chất hành vi vi phạm liên quan.
Một số ý kiến lo ngại khi đánh thuế mà không có chế tài với người kê khai sai, chỉ đánh thuế thôi thì gần như không có sức răn đe. Chúng tôi cũng đang thảo luận về cơ chế đảm bảo người kê khai không đúng, không kê khai thì phải chịu chế tài về tài chính thuế và cần bổ sung cơ chế cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu để xử lý nội dung này.
Trân trọng cảm ơn ông!