Chủ trì Tọa đàm.
Thiếu tướng Lã Đại Phong, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7 chủ trì Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu thống nhất, từ thực tiễn tình hình tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước cho thấy, việc xây dựng Dự án Luật tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm tạo một khung pháp lý rõ ràng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến tình trạng khẩn cấp. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ người dân, duy trì trật tự xã hội và giảm thiểu thiệt hại… Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần được nghiên cứu xây dựng thống nhất, phù hợp với những quy định tại các văn bản pháp luật liên quan.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7 cho rằng, thực tế cho thấy, quá trình triển khai nội dung quy định pháp luật liên quan đến vấn đề thiên tai, thảm họa, tình trạng khẩn cấp còn nhiều bất cập vì các văn bản này rải rác ở nhiều luật, Pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Một số nội dung không thống nhất, thiếu sự đồng bộ; văn bản quy phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp còn thiếu không đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Luật tình trạng khẩn cấp sẽ góp phần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính chủ động trong phòng, chống thiên tai, thảm họa; góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Thiếu tướng Vũ Văn Điền, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Tọa đàm.
Góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật, Thiếu tướng Vũ Văn Điền, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ khái niệm “trạng thái xã hội đặc biệt” được quy định tại khoản 1, Điều 2 về định nghĩa “tình trạng khẩn cấp”; bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền xác định, xem xét và đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp ở một hay nhiều địa phương (Điều 9 Dự thảo Luật).
Theo Thiếu tướng Vũ Văn Điền, thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp thuộc về Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cần được bổ sung quy định thêm cơ chế tham vấn từ Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn để đảm bảo tính khách quan, chính xác và khả thi cao. Đồng thời đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với các quy định liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện khẩn cấp; cơ chế chỉ huy, điều hành, phân cấp trách nhiệm và chế độ đãi ngộ đối với lực lượng tham gia làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp…
Thượng tá Nguyễn Ngọc Mười, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tại Điều 6 “Duy trì hoạt động tố tụng trong tình trạng khẩn cấp” cần quy định cơ chế đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại nhanh trong tình trạng khẩn cấp để phù hợp với Điều 2 Luật Khiếu nại và Điều 3 Luật Tố cáo; rà soát các văn bản pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật khi áp dụng nội dung Điều 15 Dự thảo Luật về “Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”.
Quang cảnh Tọa đàm.
Tại đây, các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi về kinh nghiệm trong công tác ứng phó, giải quyết hậu quả tác động của COVID-19; góp ý vào một số điều khoản của Dự thảo Luật; đề nghị có giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Luật khi đưa vào áp dụng trên thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan và huy động mọi nguồn lực xã hội trong công tác xử lý, hạn chế và khắc phục hậu quả thiên tai, bệnh dịch, thảm họa…
Dự thảo Luật tình trạng khẩn cấp có 10 chương, 74 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; các biện pháp chuẩn bị ứng phó với tình trạng khẩn cấp; ứng phó, khắc phục hậu quả do tình trạng khẩn cấp; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp.