Rà soát giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 896 phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Công an, thực hiện nhiệm vụ cấp số định danh cá nhân cho nhóm trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh điện tử tại tất cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Vĩnh Long và huyện Quế Phong (Nghệ An). Tính đến ngày 5/2, đã cấp được 335.371 định danh cho trẻ em mới sinh. Dự kiến sẽ triển khai trên toàn quốc vào tháng 4/2017.
Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, Bộ Công an đã triển khai cấp 5,5 triệu chứng minh nhân dân/căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.
Ông Ngô Hải Phan, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 896, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, đến nay trong tổng số 1934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1126 thủ tục, trong đó đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 thủ tục và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, vẫn còn một số tồn tại trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến vấn đề nguồn vốn, nhà thầu; chất lượng rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư của một số bộ còn chưa triệt để. Nguyên nhân là do việc rà soát của một số bộ, ngành còn mang tính hình thức nên chưa bảo đảm tính đầy đủ, chính xác của thông tin theo yêu cầu.
Bảo đảm mọi công dân sinh ra đều được cấp mã số định danh Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần có phương án xử lý cấp mã số định danh đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, công dân Việt Nam ở nước ngoài chưa phân vùng, do vậy chưa thể có mã số định danh cá nhân ở nước mới, do vậy, định danh cá nhân nên thống nhất trong cả nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cơ quan chức năng phải đến với người dân để cấp số định danh chứ không phải người dân phải đến với cơ quan chức năng.
Ví dụ được Phó Thủ tướng đưa ra là ở những buôn làng vùng sâu, vùng xa, để người dân tự đi đăng ký số định danh là rất khó khăn, cần phải bảo đảm để mọi công dân sinh ra đều được cấp mã số định danh, không để xảy ra trường hợp không có số định danh dẫn đến mất hoặc ảnh hưởng đến các quyền lợi khác.
Chỉ rõ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến nay mới hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị xây dựng, chậm 2 năm so với dự kiến ban đầu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triến khai nhiệm vụ vẫn còn tồn tại, chưa nhịp nhàng, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các nội dung liên quan đến tổ chức của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo được giao tại Quyết định 896. Theo đó, giao Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Đề án, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất về cơ sở vật chất trang thiết bị, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, thống nhất một hệ thống trang thiết bị điện tử dùng chung cho cả hai Bộ Công an và Tư pháp hay xây dựng riêng hai hệ thống, nếu làm thêm một hệ thống sẽ rất tốn kém và bản thân Bộ Tư pháp cũng không đủ khả năng.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bởi Cơ sở dữ liệu này không chỉ để thực hiện nhiệm vụ của Đề án 896, mà đây là trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện hai Luật căn cước công dân và hộ tịch.
“Việc này nếu làm tốt sẽ là cơ sở dữ liệu rất quan trọng để các bộ, ngành khai thác, sử dụng. Triển khai được sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc cải cách hành chính mà các bộ, ngành đang tiến hành. Đồng thời cũng là thực hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ là kiến tạo, liêm chính, phục vụ.
Người dân sẽ được thụ hưởng những lợi ích lớn từ việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Qua cơ sở dữ liệu để triển khai chính sách đến tận người dân, do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện để đem lại thành công cho Đề án”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an và Tư pháp phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện, phát huy, mở rộng số lượng địa phương được triển khai cấp số định danh cá nhân, bảo đảm các thông tin của công dân được thu thập chính xác, số định danh cá nhân được cấp theo một quy trình khoa học và đúng quy định.