Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Đảm bảo linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao

Đảm bảo linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao. Đó là ý kiến của đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) tại phiên thảo luận hội trường chiều 1/6 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Mạnh Khoa nhấn mạnh, hiện nay, Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; dự báo giá sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, từ đó làm tăng giá thành các loại sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

Để bảo đảm linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, kiềm chế lạm phát, đại biểu đề nghị ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022. Theo đại biểu Bùi Mạnh Khoa, việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, giá dầu thô tăng mà Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại phiên thảo luận, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên), việc gia hạn lại toàn bộ nội dung Nghị quyết số 42/2017/QH14 không giải quyết được toàn bộ mục tiêu đặt ra ban đầu của Nghị quyết mà chỉ mang tính xử lý tức thời trong thời gian Chính phủ chưa kịp tham mưu để trình Quốc hội các quy định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sửa đổi kịp thời nội dung không còn phù hợp, đồng thời đảm bảo sự kế thừa liên tục, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh.

Đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị cần xem xét, bổ sung đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Đồng thời, bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo cũng như cần phải có giải pháp xử lý, đặc biệt là đối với các loại nợ xấu mang tính đặc thù.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Hà phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu. Đại biểu đề nghị, để công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi, tác nghiệp giữa các cơ quan, khắc phục hạn chế trong triển khai Nghị quyết thời gian qua. "Quốc hội cần sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi những kết quả Nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu", đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Cử tri Đà Nẵng đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội về kiềm chế giá xăng dầu
Cử tri Đà Nẵng đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội về kiềm chế giá xăng dầu

Ngày 1/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN