Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong quý I, Bộ đã hoàn thành 22 nhiệm vụ. Theo thống kê trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tư pháp đã xử lý, giải quyết 50 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi đến; một số kiến nghị khác đang được các đơn vị thuộc Bộ xem xét giải quyết.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm triển khai toàn diện, bài bản. Bộ đã kết nối thành công 8 dịch vụ công thuộc lĩnh vực hộ tịch và đăng ký biện pháp bảo đảm lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 58 dịch vụ. Đặc biệt, theo kết quả công bố xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương PAR INDEX 2022, Bộ Tư pháp được xếp vào nhóm một trong hai cơ quan có điểm số trên 90 điểm.
Trong quý I, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là Đề án 06) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bắt đầu từ sáng 17/4/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp Trích lục khai tử trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả cụ thể. Công tác thẩm định tiếp tục được Bộ Tư pháp tổ chức chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 7 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 22 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số dự án, dự thảo quan trọng như: Dự án Luật Căn cước công dân; dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030… Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 1.074 văn bản (gồm 74 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.000 văn bản của địa phương).
Về kết quả thi hành án dân sự 6 tháng năm 2023 (tính từ ngày 1/10/2022 - 31/3/2023), đã thi hành xong 234.426 việc, đạt 54% (tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2022); tương ứng với hơn 52.296 tỷ đồng, đạt 26,29% (tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2022).
Liên quan đến kết quả thi hành án kinh tế, tham nhũng 6 tháng năm 2023 (tính từ ngày 1/10/2022 - 31/3/2023), các cơ quan đã thi hành xong 900 việc, đạt 36% (tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2022); tương ứng với hơn 18.531 tỷ đồng, đạt 33,37% (tăng 12,18% so với cùng kỳ năm 2022).
Tại cuộc họp báo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã thông tin tới báo chí một số vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Liên quan đến tình trạng quá tải trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội diễn ra thời gian qua, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết, quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp gồm nhiều khâu: Từ xây dựng, vận hành, quản lý, khai thác đến cấp phiếu. Vướng mắc nằm ở chỗ tiếp nhận hồ sơ của Sở Tư pháp Hà Nội chứ không phải do khâu xử lý hồ sơ của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Ngày 21/3 vừa qua, cán bộ Trung tâm đã "đóng vai" là người dân đến Sở Tư pháp Hà Nội xếp hàng, ghi nhận tình hình. "Tại đây, chúng tôi đã lấy số, xếp hàng như bình thường và trò chuyện với nhiều người. Tôi thấy có người phải xếp hàng từ 5 giờ sáng và có người mất vài ngày nhưng vẫn chưa lấy được phiếu, thực sự vất vả", ông Hùng cho hay.
Để tháo gỡ, Trung tâm đã họp với Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đưa ra 8 giải pháp, trong đó nhấn mạnh Sở phải tập trung nhân sự trực tiếp nhận hồ sơ.
Theo ông Hùng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến quá tải là do cách tổ chức, sắp xếp công việc của Sở Tư pháp Hà Nội chưa hợp lý và nhu cầu về lao động, việc làm tăng đột biến của người dân sau dịch COVID-19. Do đó, Trung tâm đã yêu cầu mở thêm ô nhận hồ sơ, đồng bộ nhận hồ sơ theo 3 phương thức là qua bưu điện, trực tuyến và trực tiếp. Đến thời điểm hiện tại, vấn đề này đã được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành rà soát tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An..., báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu 63 Sở Tư pháp tăng cường công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó có tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cho người dân, đảm bảo đúng và sớm hơn thời gian luật định.
Một số phóng viên đặt câu hỏi về việc Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực có nhận được thông tin về việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) thôi quốc tịch Việt Nam hay không.
Trả lời nội dung trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực cho biết, cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp chưa nhận được thông tin nào do địa phương chuyển đến liên quan việc thôi quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.