Đảm bảo các nội dung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sát với thực tiễn

Chiều 26/6, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030". Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì hội thảo.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá hệ thống chính sách dân tộc hiện hành, định hướng chính sách dân tộc giai đoạn 2026-2030; kết quả thực hiện các chính sách tín dụng, công tác truyền thông, thông tin, những kinh nghiệm thực hiện, định hướng triển khai chương trình..

Các đại biểu cho rằng cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi để đảm bảo xác định các nội dung hỗ trợ sát với thực tiễn yêu cầu; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập khó khăn, sớm có giải pháp tháo gỡ; phân cấp quản lý phải phù hợp với ý thức, trình độ cán bộ địa phương. Các tham luận cũng định hướng triển khai chương trình trong giai đoạn mới cần thiết kế chính sách đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng định hướng thiết kế chương trình giai đoạn 2026-2030 cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún để tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư; xây dựng chính sách đặc thù vùng (chính sách khung của vùng) để triển khai đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phân cấp, giao cho địa phương xây dựng chính sách để chủ động thực hiện. Đồng thời, cần tham mưu Chính phủ giao cho 1 cơ quan cấp bộ chủ trì xây dựng chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi (hiện nay có tới 22 bộ, ngành cùng thực hiện) để cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết (là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thực hiện chương trình…). Cũng có ý kiến cho rằng cần tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi để cải thiện điều kiện sinh kế bền vững, giảm nghèo, từng bước tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, miền (các mục tiêu, chỉ tiêu cần chi tiết phù hợp cho từng vùng, từng miền, từng địa phương)...

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội thảo.

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc định hướng triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 - 2030. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần báo cáo kết quả, đánh giá chi tiết những tồn tại, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách của từng dự án trong chương trình để báo cáo với Quốc hội điều chỉnh tổng thể. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng các hệ thống văn bản pháp lý phù hợp; thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện, qua đó phát hiện những vấn đề bất cập, tiếp nhận các ý kiến để khắc phục, xử lý kịp thời.

Tin, ảnh: Quang Cường (TTXVN)
Đã giải ngân 5.700 tỷ đồng cho 19 địa phương vùng dân tộc, miền núi phía Bắc
Đã giải ngân 5.700 tỷ đồng cho 19 địa phương vùng dân tộc, miền núi phía Bắc

Ngày 26/6, tại Tuyên Quang, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 - 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN