Đây thực chất là một bước cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết, Quy định của Trung ương vào cuộc sống; phù hợp với thực tiễn, tạo “đột phá” trong khâu tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm lựa chọn được người đủ đức, đủ tài, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương.
Đột phá trong công tác tuyển chọn cán bộ
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, khi quyết định việc thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy các huyện Buôn Đôn và Lắk, tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn bạc kỹ lưỡng, nhất trí rất cao. Cách làm, bước thực hiện đều đúng với Nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thực tiễn ở một số địa phương, một số ngành của tỉnh.
Tỉnh đang thiếu hai chức danh Giám đốc Sở, hai chức danh Bí thư huyện và một chức danh Phó Giám đốc sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tính toán cân đối đảm bảo yếu tố cán bộ dân tộc trong cơ cấu cán bộ. Theo đó, hai huyện Lắk và Buôn Đôn chủ trương chọn mỗi huyện 5 cán bộ để trình bày đề án trước Ban Thường vụ. Trên cơ sở các đề án được trình bày, Ban Thường vụ sẽ phân tích đánh giá và bỏ phiếu chọn ra hai đồng chí xuất sắc thứ nhất và thứ hai… cho một vị trí để giới thiệu tiến hành quy trình cán bộ theo đúng quy định hiện hành.
“Việc đổi mới cách tuyển chọn này chỉ ở khâu quan trọng nhất là lựa chọn cán bộ, còn quy trình cán bộ vẫn phải thực hiện đúng quy định hiện hành”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định.
Lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài, ngang tầm nhiệm vụ
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường chia sẻ: “Cán bộ là gốc của công việc, muốn việc thành công hay thất bại là do chọn cán bộ tốt hay kém”, muốn ngành hay địa phương phát triển phải chọn được cán bộ có đức, có tài. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã và đang đổi mới công tác cán bộ với mục tiêu là “tìm người tài, không tìm người nhà” như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói.
Đối với việc đổi mới tuyển chọn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc sở ngành, Ban Thường vụ tổ chức thi tuyển theo các quy định trên để chọn được cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở đó cấp có thẩm quyền xem xét ra quyết định bổ nhiệm. Đối với chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ lựa chọn ít nhất từ 3-5 người đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, sau đó cho trình bày đề án trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chọn người có năng lực nổi trội, giới thiệu để tiến hành quy trình công tác cán bộ theo đúng quy định. Nếu thực hiện quy trình 3 bước (với cán bộ nguồn từ nơi khác chuyển đến) hoặc quy trình 5 bước (với cán bộ nguồn tại chỗ) đạt yêu cầu sẽ ra quyết định chỉ định hoặc bầu cử theo đúng quy định hiện hành để có cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trường hợp không đạt yêu cầu sẽ chọn người kế tiếp thứ 2 để làm quy trình cán bộ theo quy định.
Việc đổi mới cách tuyển chọn cán bộ này, một mặt giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chọn được cán bộ thực tài, mặt khác giúp cán bộ tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, đồng thời chắt lọc các giải pháp đột phá để xây dựng, phát triển các địa phương. Cán bộ đã chuẩn bị đề án sau khi được bầu cử hoặc bổ nhiệm sẽ bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ theo đề án xây dựng giúp thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh của địa phương đó. Đây cũng là giải pháp chống chạy, chức chạy quyền trong công tác cán bộ và tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch cho nhiều cán bộ.
Việc đổi mới trong công tác tuyển chọn cán bộ của Tỉnh ủy Đắk Lắk đang nhận được sự đồng thuận, kỳ vọng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Theo kế hoạch Buôn Đôn là một trong hai huyện được lựa chọn thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy. Do điều kiện đặc thù nên ứng viên vào vị trí Bí thư phải là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bà H Bel Niê, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Buôn Đôn cho biết, sau khi Bí thư Huyện ủy nghỉ hưu và nhận được Kế hoạch thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đồng thuận rất cao, xem đây là cách làm hay, phù hợp để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có nhiều sáng kiến, quyết sách đúng để xây dựng và phát triển huyện. Việc lựa chọn Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn là người đồng bào dân tộc thiểu số là phù hợp vì Buôn Đôn là huyện biên giới, có 23 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần nửa dân số của huyện với hơn 7.800 hộ.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn Y Vong Nhi Ksor cho biết, chủ trương của Trung ương, của Tỉnh về việc lựa chọn người có đủ năng lực, phẩm chất để phục vụ cho sự phát triển của địa phương, ngành là đúng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước. Bởi nguyên tắc lựa chọn Bí thư là do Đại hội, Ban Chấp hành bầu ra hoặc cấp có thẩm quyền chỉ định. “Mong muốn là Tỉnh ủy sẽ lựa chọn được Bí thư Huyện ủy mới vừa có lý luận giỏi, vừa am hiểu thực tiễn địa phương vì Buôn Đôn là huyện rất đặc thù. Vì vậy, việc xem xét phải thực sự kỹ lưỡng, cùng với đó phải quan tâm đến quá trình phấn đấu của cán bộ nguồn tại chỗ”, ông Y Vong Nhi Ksor bày tỏ.
Tiến sĩ Lương Hữu Nam, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Thi tuyển để chọn người đứng đầu chính quyền đã được nhiều nơi tổ chức. Tuy nhiên, bên Đảng, việc thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy, có thể nói đây là lần đầu tỉnh tổ chức. Điều này thể hiện nhận thức mới trong cách làm với mong muốn chọn được người có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực lãnh đạo. Việc tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy thể hiện sự đột phá trong cách làm, đó là các ứng viên dự tuyển cạnh tranh bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ để được xem xét, thực hiện các quy trình tiếp theo. Cách làm này góp phần giảm bớt những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ; góp phần tạo ra sự đồng thuận, tin tưởng trong cán bộ, nhân dân. Việc thi tuyển thể hiện quyết tâm của người đứng đầu và Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn tìm được người tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.