Đắk Lắk khắc phục các điểm sạt lở trên Quốc lộ 27

Mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất đá tại hai điểm trên Quốc lộ 27, thuộc địa bàn huyện Lắk (Đắk Lắk), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mặc dù các điểm sạt lở xảy ra cách đây gần 2 tháng nhưng đến nay, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa khắc phục sự cố trên.

Điểm sạt lở tại Km36, thuộc khu vực (Đèo Lắk) thôn Đắk Teo, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk).

Điểm sạt lở tại Km36+050 (khu vực Đèo Lắk), thôn Đắk Teo, xã Yang Tao, huyện Lắk, được phát hiện ngày 19/8, với hàng chục mét khối đất đá đổ sụp xuống ta luy, ăn sâu vào lòng đường hơn 1m. 

Tuy không gây ách tắc giao thông nhưng điểm sạt lở nằm ngay khúc cua trên Đèo Lắk, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua đây do bị che khuất tầm nhìn. 

Ông Đào Tiên Vọng, thôn Đắk Teo, xã Yang Tao cho biết: Khu vực Đèo Lắk có độ dốc cao, mặt đường hẹp, nhiều đoạn đã xuống cấp, hàng ngày có rất nhiều loại phương tiện lưu thông qua đây. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ sử dụng thân cây khô và chăng dây tại vị trí sạt lở mà không có biển cảnh báo nguy hiểm. 

Điểm sạt lở nằm trên khúc cua của Đèo Lắk chậm được khắc phục gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tại điểm sạt lở tại Km 76+990 thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk, phát hiện ngày 25/7, ba tảng đá lớn với khối lượng gần 100 mét khối kèm theo bùn, đất chắn ngang nửa mặt đường, gây tắc đường cục bộ. 

Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở đất, đá trên Quốc lộ 27, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk và chính quyền hai xã Yang Tao và Krông Nô đã đi kiểm tra hiện trường và có báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép tỉnh xử lý đột xuất các điểm sạt lở, tiến hành “bạt mái” taluy, bảo đảm ổn định mái dốc tại các vị trí sạt lở đảm bảo an toàn giao thông. 

Tại điểm sạt lở không hề có biển báo cảnh báo nguy hiểm.

Ngày 7/9, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản số 5546/TCDBVN-ATGT, yêu cầu tỉnh Đắk Lắk khẩn trương khắc phục bước 1 sự cố các điểm sạt lở Km 76+990, sử dụng máy móc phương tiện phá tách các khối đá tại các vị trí sạt lở, giải phóng mặt bằng để người và phương tiện giao thông qua lại an toàn. Riêng đối với vị trí sạt lở đoạn Km 36+050, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Ông Thân Văn Duyên, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu Hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Đắk Lắk khắc phục sự cố sạt lở tại Km 76+900, thuộc xã Krông Nô, để đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên đến nay đơn vị vẫn chưa thực hiện. 

Việc chậm khắc phục khiến nhiều khối đất đá lớn có nguy cơ sạt lở tiếp xuống đường nếu xảy ra mưa lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trí Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Đắk Lắk cho biết, ngày 11/10 đơn vị sẽ cho phương tiện, máy móc xuống khắc phục ngay sự cố. 

Quốc lộ 27 dài 290km là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ, mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện lưu thông qua lại. Tuyến đường này có nhiều đèo, dốc nên thường xảy ra sạt lở vào mùa mưa.

Tin, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Điều chỉnh lịch chạy tàu Hà Nội-Lào Cai sau sự cố sạt lở đất ở ga Lâm Giang, Yên Bái
Điều chỉnh lịch chạy tàu Hà Nội-Lào Cai sau sự cố sạt lở đất ở ga Lâm Giang, Yên Bái

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam điều chỉnh kế hoạch chạy tàu tuyến Hà Nội – Lào Cai sau sự tại cố khu vực Ga Lâm Giang (Yên Bái). Theo đó, không tổ chức chạy tàu suốt Hà Nội – Lào Cai; nếu hành khách có nhu cầu đi Lào Cai sẽ thực hiện việc chuyển tiếp bằng ô tô qua khu đoạn bị sự cố sạt đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN