Đắk Lắk: Đề xuất thanh tra toàn diện Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi

Ngày 17/8, tại Hội trường Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đối thoại để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của hàng nghìn người dân nhận khoán tại Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi. Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì buổi đối thoại.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tham dự buổi đối thoại có ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ); đại diện một số cơ quan của Tung ương; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Krông Pắc; Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi và hàng nghìn hộ dân nhận khoán.

Tại buổi đối thoại, đại diện người nhận khoán (khoán vườn cây) tại Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi đã tập trung kiến nghị việc xác định nguồn gốc của 616,4 ha đất mà bà con đang liên kết với Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi. Nguyện vọng của người dân nhận khoán là Công ty bàn giao lại phần đất này về cho địa phương quản lý. Sau đó, địa phương xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để người dân yên tâm sản xuất, đóng thuế cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, đại diện người nhận khoán cũng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra công tác cổ phần hóa tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Thắng Lợi do cho rằng, quá trình cổ phần hóa công ty có nhiều điểm chưa được công khai, minh bạch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận khoán...

Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi... đã trả lời những nội dung đại diện các hộ dân nhận khoán nêu. Tuy nhiên, bà con cho rằng nội dung trả lời còn chưa thỏa đáng nên chưa thể xử lý dứt điểm các kiến nghị.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, quan điểm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Lắk là giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, trong đó quyền lợi của người dân được đặt lên hàng đầu. “Lợi ích của doanh nghiệp và người dân phải luôn hài hòa. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cũng như của UBND tỉnh là, về lợi ích thì trước hết phải ưu tiên cho người dân, sau đó là đến doanh nghiệp và của Nhà nước là sau cùng”, ông Phạm Ngọc Nghị nói.

Để giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc, thanh tra toàn diện Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi để làm rõ những vấn đề đúng và chưa đúng trong thực hiện quy định của pháp luật. Trước khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo công ty và người dân nhận khoán cần tiếp tục trao đổi, bàn bạc cụ thể, tạo sự đồng thuận.

Chú thích ảnh
Đại diện các hộ dân khiếu nại trình bày các nội dung khiếu nại tại buổi đối thoại. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi (tiền thân là Nông trường cà phê Thắng Lợi thành lập năm 1977) nằm trên địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Các hộ nông trường viên (công nhân) chủ yếu là người dân từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đi kinh tế mới vào Đắk Lắk từ những năm đầu sau giải phóng. Sau những lần chuyển đổi mô hình hoạt động, đến năm 2019, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Thắng Lợi đã thực hiện cổ phần hóa thành công, vốn Nhà nước chỉ còn chiếm 36% vốn điều lệ.

Trong quá trình hoạt động, việc thực hiện các hợp đồng giao khoán, liên kết sản xuất giữa người nhận khoán và Công ty đã phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Nhiều năm liền người dân kiến nghị với Công ty và các cấp, ngành của tỉnh Đắk Lắk nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, dẫn đến tình trạng tập trung đông người đưa đơn kiến nghị, khiếu nại, tạo thành điểm nóng về an ninh nông thôn.

Anh Dũng (TTXVN)
Tạo cơ chế hai chiều để thực hiện kiến nghị sau giám sát 
Tạo cơ chế hai chiều để thực hiện kiến nghị sau giám sát 

Tiếp tục chương trình Phiên họp 25, sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN