Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thưa Đại sứ, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sắp có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Nhân sự kiện này, Đại sứ có thể cho biết một số nét chính về quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước và công tác triển khai trong thời gian qua?
Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược tại cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng hai nước vào ngày 22/7/2020, trong đó, hai bên xác định các nội dung ưu tiên là liên kết chiến lược, hội nhập kinh tế và kết nối nhân dân, đồng thời xác định các mục tiêu, đề ra chủ trương, chính sách và cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của hai quốc gia.
Tháng 12/2021, Chương trình hành động triển khai Đối tác chiến lược giai đoạn 2021-24 đã được Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký kết, xác định rõ hơn các biện pháp triển khai và cơ chế hợp tác cụ thể, có tính đến đặc thù hai nước trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm 2022, một loạt các hoạt động được triển khai như Đối thoại cấp cao về nông nghiệp, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng, tiếp xúc trực tuyến hay trực tiếp bên lề hội nghị quốc tế giữa các Bộ trưởng Ngoại giao, Công thương hai nước và một loạt các diễn đàn trực tuyến giữa các ngành, địa phương hai nước, góp phần duy trì và phát triển liên kết, thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh cụ thể. Các dự án ODA của New Zealand tại Việt Nam cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai và đã mang lại kết quả.
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức New Zealand của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cho phép hai bên tiến hành rà soát, kiểm điểm quá trình triển khai Đối tác chiến lược và xác định những ưu tiên, biện pháp thực hiện trong bối cảnh hai nước đã mở cửa hoàn toàn biên giới.
Chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong tháng này, cùng chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nước ta dự kiến diễn ra cuối năm nay có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo xung lực mới, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu mà khuôn khổ Đối tác chiến lược đã đề ra.
Đại sứ có thể phân tích mục đích, ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm cũng như tác động của chuyến thăm đối với quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh hiện tại?
Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo New Zealand đến Việt Nam sau 2 năm kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Chuyến thăm gần đây nhất của Thủ tướng Jacinda Ardern diễn ra cách đây vừa tròn 5 năm, khi bà sang tham dự Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2017.
Chuyến thăm lần này mang ý nghĩa chính trị quan trọng, là dấu mốc tái khởi động một cách toàn diện khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand, chủ động thích ứng với cục diện mới của tình hình thế giới và khu vực.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đã mở cửa hoàn toàn biên giới, nỗ lực kết nối trở lại với bên ngoài sau đại dịch COVID-19. Việc Thủ tướng New Zealand chọn Việt Nam trong chuyến công du đến châu Á lần này, ngay sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Phnom Penh (Campuchia) và trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC tại Bangkok (Thái Lan) cho thấy New Zealand quan tâm đặc biệt đến khu vực châu Á, nhất là Đông Nam Á, trong đó rất coi trọng và đặt kỳ vọng vào khuôn khổ Đối tác chiến lược với Việt Nam.
Sau thời gian dài đóng cửa biên giới, với nhiều hệ luỵ về kinh tế, thương mại, giao lưu quốc tế và ảnh hưởng đến đời sống người dân, chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern nỗ lực triển khai chiến lược tái kết nối với thế giới để phục hồi kinh tế, thông qua tăng cường quan hệ với các đối tác chủ chốt, củng cố và phát triển các thị trường trọng điểm trong khu vực và trên thế giới. New Zealand đánh giá Việt Nam là đất nước có ổn định chính trị cao, có nền kinh tế năng động, với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng trước và sau đại dịch COVID-19, là thị trường còn nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp New Zealand cần khai thác và phát huy thế mạnh để phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Năm 2022 cũng chứng kiến nhiều biến động lớn về an ninh, địa chính trị và kinh tế quốc tế, tác động đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand cũng là dịp để các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi sâu hơn về các vấn đề lớn của thế giới và khu vực, phát huy sự tin cậy chính trị cao, sự đồng thuận về quan điểm và tầm nhìn của hai quốc gia.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Jacinda Ardern, với các cuộc hội đàm và hội kiến sắp tới cũng sẽ củng cố thêm mối quan hệ cá nhân tốt đẹp sẵn có của Thủ tướng Jacinda Ardern với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.
Theo Đại sứ, trọng tâm chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng New Zealand là gì và hai bên có thể kỳ vọng gì về kết quả của chuyến thăm, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển?
Bên cạnh tầm vóc chính trị của chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, nội dung hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển được Chính phủ New Zealand đặt trọng tâm cao, phù hợp với ưu tiên chiến lược hiện nay là phục hồi kinh tế và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ tham dự một loạt hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và giáo dục tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tháp tùng Thủ tướng là đoàn doanh nghiệp bao gồm khoảng 20 doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand trong các lĩnh vực có thế mạnh và mong muốn khai thác tiềm năng rất cụ thể với Việt Nam.
Tôi kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ mang lại nhiều tin vui cho doanh nghiệp và nông dân hai nước, với các quyết sách mở cửa thị trường kịp thời và mạnh dạn hơn nữa. Để tăng cường trao đổi và giao lưu nhân dân, chúng ta cũng hy vọng chuyến thăm sẽ là dịp để hai bên hoàn tất thủ tục đàm phán ký kết những thoả thuận có ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giao thông, vận tải và tạo thuận lợi cho sự di chuyển của người dân hai nước.
Những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ tạo ra xung lực mới, tạo đà phát triển thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu và kỳ vọng mà khuôn khổ Đối tác chiến lược giữa hai nước đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!