Với tư cách Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp?
Việt Nam và Pháp có mối quan hệ với bề dầy truyền thống và những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Trải qua các giai đoạn lịch sử, quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến sâu rộng và ngày càng phát triển toàn diện. Pháp là nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký năm 1973. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, thời kỳ Việt Nam bị bao vây cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất duy trì quan hệ hợp tác văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục và đào tạo với Việt Nam. Khi công cuộc Đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu và Việt Nam tăng cường hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Mitterand vào tháng 3/1993 đánh dấu một bước chuyển trọng tâm quan trọng dành cho quan hệ với Việt Nam trong chính sách của Pháp hướng tới khu vực. Quan hệ Việt - Pháp vượt qua khuôn khổ song phương để dựa vào quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với EU năm 1990 và ký Hiệp định khung hợp tác năm 1995.
Đến nay, Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đã và đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 không chỉ phản ánh một mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng và thúc đẩy trong nhiều thập kỷ trước đó, mà còn thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc.
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp từ đó thực sự đã có những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực đã được ký kết. Các chuyến thăm chính thức Pháp tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tháng 4/2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tháng 11/2018 đã đánh dấu 5 năm phát triển hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và các cuộc điện đàm tiếp đó giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Macron, giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex, giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian là sự thể hiện quan hệ chính trị khăng khít giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế cũng là một lĩnh vực đạt nhiều dấu ấn. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương vốn viện trợ trực tiếp chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Đã và đang có hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đang có những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp.
Hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú và đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hai bên. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp. Hợp tác y tế đã trở thành lĩnh vực chủ chốt với số lượng 30 hội hợp tác y học Pháp - Việt tập hợp theo chuyên khoa hoặc theo địa bàn các địa phương, trao đổi hợp tác thường xuyên. Chính phủ Pháp vừa qua đã chia sẻ đợt đầu hơn 670.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được mở rộng với sự tham gia của 24 địa phương của Pháp và 33 tỉnh, thành của Việt Nam với 11 hội nghị hợp tác phi tập trung đã được tổ chức trong những năm qua.
Phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và trên các điễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, hợp tác ASEAN-EU, Hội nghị Á - Âu (ASEM), Pháp ngữ rất chặt chẽ. Hai nước cũng duy trì các trao đổi về nhiều vấn đề an ninh khu vực, có sự đồng quan điểm về sự tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, về tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo hòa bình, an ninh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Sự phối hợp giữa hai nước để cùng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, đảm bảo phát triển bền vững được đẩy mạnh.
Theo Đại sứ, đâu là những thuận lợi mà hai nước cần phát huy, cũng như những khó khăn cần khắc phục để đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới?
Trong giai đoạn hiện nay, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Như trên đã thấy, quan hệ Việt Nam - Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất. Những kết quả tích cực đạt được và những nội hàm phong phú cùng các nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối của mình sâu rộng hơn.
Các chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang có điểm giao thoa quan trọng. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương. EU, một khuôn khổ hành động quan trọng của Pháp, cũng ngày càng quan tâm và có nhiều biện pháp mạnh mẽ để tăng cường sự hiện diện cũng như các mối quan hệ đối tác tại đây. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại được khẳng định và làm sâu sắc hơn tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta chủ trương tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có các nước đối tác quan trọng tại châu Âu và trong EU.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra là các cơ quan chức năng và các đối tác của hai bên làm thế nào để phát huy được những kết quả và nền tảng quan hệ đã đạt được cũng như triển khai một cách hiệu quả các định hướng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, nhằm đưa hợp tác Việt Nam – Pháp ngày đi vào chiều sâu, ngày càng chặt chẽ hơn và nhất là đáp ứng được yêu cầu của cả hai nước trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Thực vậy, trên nhiều lĩnh vực cụ thể có thể thấy rất vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác to lớn cần và có thể khai thác nhiều hơn. Đến tháng 8/2021, với 3,62 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam, Pháp chiếm 14% tổng vốn FDI của EU đang đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có dự án đầu tư tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Kết quả này được đánh giá là còn khá “khiêm tốn” so với tiềm năng hợp tác của quan hệ Việt - Pháp, so với thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp cũng như so với nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam. Chúng ta cũng cần có những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới của Việt Nam như: công nghệ cao, các lĩnh vực kinh tế và chuyển đổi số, y tế và dược phẩm, công nghiệp truyền thống như sản xuất xe hơi, lốp xe, bảo dưỡng máy bay dân dụng, khí phụ trợ; năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển, phát triển nông nghiệp chất lượng cao và chế biến lương thực thực phẩm, các ngành liên quan đến môi trường....
Về thương mại, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang tạo ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Thực tế cho thấy sau một năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... phải tận dụng được các lợi thế của EVFTA để vào thị trường Pháp. Vừa qua, quả vải, quả nhãn và nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã có những bước đột phá ấn tượng, nhưng cần làm nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động đổi mới sản xuất để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp.
Điều đáng chú ý nữa là đứng trước những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang tập trung nỗ lực để phòng chống dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, đi đôi với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của mình, các đối tác hai bên cũng cần nhanh chóng có những hướng đi mới để đáp ứng các yêu cầu mới của giai đoạn hiện nay đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn.
Đại sứ cho biết mục đích và dự kiến các nội dung làm việc trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp?
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đã và đang có những kết quả hết sức tích cực, nhưng cũng đang đứng trước những yêu cầu phát triển cao hơn như trên đã nói. Đây cũng là một bước triển khai quan trọng của chúng ta về đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII cả về đa phương và song phương, vì trước khi đến Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) là bước tiếp tục cụ thể hóa chính sách của chúng với các đối tác quan trọng ở châu Âu cũng như với EU.
Mục tiêu bao trùm của chuyến thăm là thể hiện ở cấp cao đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định, đồng thời nhằm thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex và dự kiến sẽ có buổi hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Pháp. Hai bên sẽ trao đổi các biện pháp để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế-đầu tư-thương mại, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật. Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi với ban lãnh đạo Pháp về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, một yêu cầu cấp bách đang nổi lên và phù hợp với thế mạnh hợp tác Việt Nam – Pháp. Hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023. Một số văn bản, thỏa thuận sẽ được ký kết giữa hai bên nhằm hiện thực hóa cũng như định hướng cho các những mục đích và các lĩnh vực hợp tác nêu trên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp mặt gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Pháp và châu Âu, động viên các đóng góp của bà con đối với đất nước thời gian qua. Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp và châu Âu để thông tin về những nỗ lực thúc đẩy sản xuất, phát triển và thúc đẩy hợp tác về đầu tư, thương mại của Việt Nam với các đối tác.
Thủ tướng Chính phủ dự kiến cũng sẽ có các cuộc trao đổi với lãnh đạo Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Năm 2021, Việt Nam kỷ niệm 45 năm ngày gia nhập UNESCO và hai bên đang xây dựng một chương trình hợp tác sâu rộng trong giai đoạn tới. Với vai trò tiên phong trong xây dựng Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ, Việt Nam được chọn là điểm đến cho chương trình xúc tiến kinh tế - thương mại trong Pháp ngữ. OIF luôn đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong tổ chức Hội nghị Cấp cao Hà Nội (1997), là hội nghị đầu tiên của Pháp ngữ được tổ chức tại châu Á và đánh dấu sự chuyển mình về chất của tổ chức, từ hợp tác văn hóa, ngôn ngữ sang đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế. OECD và Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hợp tác, đã phối hợp xây dựng Báo cáo Đánh giá đa chiều (MDR) của Việt Nam năm 2020, là công trình nghiên cứu tạo cơ sở tham khảo quan trọng cho các chiến lược phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác và đối tác trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh và sản xuất và mua vaccine. Pháp là một trong những nước có thế mạnh này. Xin Đại sứ cho biết cơ hội hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?
Trước hết phải nói Việt Nam và Pháp có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực y tế từ rất sớm, đánh dấu bằng Hiệp định liên chính phủ được ký kết năm 1993. Từ đó đến nay, đã có hàng nghìn bác sỹ Việt Nam tham gia chương trình đào tạo tại Pháp, nhiều người trở thành bác sỹ đầu ngành và nắm giữ trọng trách cả về chuyên môn và quản lý trong hệ thống y tế Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến các hoạt động trao đổi chuyên môn thường xuyên giữa các bệnh viện hai nước, trong đó có sự tham gia rất tích cực của Liên hội Y tế Pháp - Việt Nam. Hội nghị về hợp tác y tế Pháp - Việt Nam được tổ chức Paris năm 2018 là một sự kết tinh của quan hệ Việt Nam – Pháp trong lĩnh vực này. Đây chính là các nền tảng tốt cho đẩy mạnh hợp tác y tế giữa hai nước hiện nay và thực tế, mạng lưới hợp tác hình thành và phát triển qua 30 năm qua đã và đang đóng góp rất nhiều cho công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay trong nước ta.
Như trên đã nói, trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Pháp lần này, nội hàm y tế sẽ được nhấn rất mạnh. Chuyến đi là bước tiếp tục triển khai ngoại giao vaccine, vận động hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống COVID-19 và hợp tác phục hồi sau đại dịch. Ngoài trao đổi với lãnh đạo cấp cao Pháp, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm việc với nhiều chuyên gia, bác sĩ y tế, các viện nghiên cứu, các tập đoàn dược phẩm ở sở tại để trao đổi ý kiến, định hướng hợp tác trong lĩnh vực này. Hỗ trợ vaccine và hợp tác phòng chống dịch giữa hai nước vừa qua đã có những kết quả quan trọng và còn tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tại Pháp cũng như trong thời gian tới. Các hướng hợp tác hai bên trong các khuôn khổ đa phương, nhiều bên, như trong các tổ chức chuyên môn của LHQ, hợp tác EU-ASEAN, Pháp-ASEAN cũng sẽ được bàn bạc, trao đổi.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thời gian qua đã triển khai quyết liệt việc huy động các nguồn lực ở sử tại và kết nối hợp tác nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Công tác vận động vaccine, trang thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng chống dịch đã có nhiều kết quả tốt. Việc thúc đẩy tiếp cận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc chống chữa bệnh do COVID-19 cũng đang được đẩy mạnh. Việc tìm hiểu kinh nghiệm, chính sách về phòng chống dịch COVID-19 cũng được hết sức chú ý. Đại sứ quán đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với đối tác và lãnh đạo một số tập đoàn y, dược Pháp. Các nỗ lực trên được sự hưởng ứng tích cực ở sở tại, từ các các hội đoàn chuyên môn Việt Nam - Pháp, các bác sĩ, chuyên gia y tế người Việt và người Pháp, và các hội đoàn cùng toàn thể bà con người Việt ta ở Pháp.
Hợp tác phi tập trung là một trong những mô hình tạo nên bản sắc hợp tác Pháp Việt, xin Đại sứ nói rõ hơn về mô hình này?
Hợp tác phi tập trung hay hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp khởi nguồn vào năm 1989 với việc Hội đồng vùng Ile-de France và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác. Cho đến nay, Hiệp hội Các địa phương Pháp thống kê được 24 đơn vị hành chính địa phương của Pháp có hợp tác với 33 tỉnh/thành Việt Nam và Phái đoàn hoạt động đối ngoại của các đơn vị hành chính địa phương thuộc Bộ Ngoại giao Pháp thống kê có hơn 240 dự án đã được triển khai. Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp được tổ chức định kỳ tạo nên nét cơ chế đặc sắc cho mối quan hệ này. Pháp là nước duy nhất cho đến nay mà Việt Nam có cơ chế gặp mặt, họp mặt giữa các địa phương theo hình thức hội nghị. Hội nghị đầu tiên diễn ra tại Lille năm 1996, được tổ chức luân phiên tại các địa phương hai nước 2 - 3 năm/lần. Hội nghị lần thứ 12 tới đây dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2022.
Hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp trong thời gian qua được triển khai trên những lĩnh vực và chủ đề đáp ứng tốt yêu cầu và thế mạnh của hai bên như giáo dục, nghiên cứu, phát triển bền vững, bảo tồn văn hóa - di sản, y tế và môi trường. Hình thức hợp tác phong phú, từ kết nghĩa, đến xây dựng thỏa thuận hợp tác, các chương trình hành động chung, ký kết thỏa thuận giữa các trường, viện nghiên cứu. Hợp tác phi tập trung Việt Nam – Pháp đã góp phần mở rộng quan hệ quốc tế từ đó giúp các địa phương của Việt Nam có thêm cơ hội, thêm đối tác và nâng cao năng lực triển khai các hoạt động đối ngoại; mang lại kinh nghiệm và các dự án hợp tác cụ thể trên nhiều lĩnh vực phục vụ mục tiêu phát triển của các địa phương; góp phần tạo kênh quan hệ với các đại biểu dân cử từ các đảng chính trị và các chính quyền địa phương trong tổng thể chung quan hệ giữa hai nước.
Trong giai đoạn hiện nay, hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp đang hướng tới những bước chuyển đáng chú ý. Các hoạt động hợp tác đang chuyển dần theo hướng mang lại lợi ích cho cả hai bên chứ không chỉ còn nằm trong khuôn khổ các hoạt động mang tính hữu nghị, đoàn kết và hỗ trợ như trước đây. Trong thời gian đầu bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, nhiều địa phương của Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ khẩu trang và một số trang thiết bị y tế cho các đối tác Pháp, được phía Pháp đánh giá tích cực. Các chủ đề trao đổi và hợp tác được mở sang những lĩnh vực, nội dung phù hợp và cần thiết đối với sự phát triển của các địa phương. Hội nghị giữa kỳ hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp vào tháng 4/2021 đã tập trung thảo luận hai chuyên đề “Quản lý đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và liên hệ ứng dụng hành chính điện tử - số hóa” và “Nâng cao các giá trị văn hóa, di sản đặc trưng của địa phương để tăng sức hấp dẫn, cạnh tranh và liên hệ ứng dụng hành chính điện tử - số hóa trong bối cảnh hậu COVID-19”, là những chủ đề đang được các địa phương quan tâm.
Trong thời gian tới, hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp cần tiếp tục cập nhật kịp thời hơn nữa các lĩnh vực hợp tác phù hợp với quan tâm và năng lực của các địa phương; đổi mới hình thức hợp tác theo các điều kiện, hoàn cảnh mới; thu hút thêm nhiều đối tác tham gia như các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... để mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác. Hội nghị lần thứ 12 tại Hà Nội sẽ có vai trò rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh, điều kiện mới với các quan tâm, thách thức mới đặt ra cho các địa phương trước tác động của dịch COVID-19, sẽ là cơ sở cho những hợp tác ngày càng hiệu quả hơn.
Pháp là một trong những nước có rất đông người Việt sinh sống và làm việc. Đại sứ đánh giá như thế nào về cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và vai trò của Đại sứ quán trong việc kết nối cộng đồng và hướng về quê hương?
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sự. Theo ước tính, hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có khoảng từ 300.000 - 400.000 người. Đó là môt cộng đồng lâu đời, có truyền thống yêu nước. Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp được hình thành từ rất sớm, do chính Bác Hồ gây dựng nên, đã và đang có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Đồng thời, cũng là một cộng đồng được biết đến có thế mạnh về tri thức, với số lượng lớn người có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó nhiều người là chuyên gia giỏi, được đánh giá cao, đảm nhận các vị trí, trọng trách khác nhau trong bộ máy khoa học của Pháp.
Sinh hoạt hội đoàn rất phong phú, hiện có hàng trăm hội đoàn lớn nhỏ khác nhau của cộng đồng người Việt tại Pháp. Hạt nhân của cộng đồng ta là Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), tiền thân là “Nhóm người An Nam yêu nước” do Bác Hồ sáng lập năm 1919. Đây là tổ chức hội của người Việt Nam lớn nhất ở Pháp, có hội viên thuộc nhiều thế hệ và có chi hội tại nhiều địa phương như Lyon, Marseille, Bordeaux. Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF) là một tổ chức phát triển về sau, tập hợp những thanh niên gốc Việt sinh trưởng tại Pháp.
Trong lĩnh vực chuyên gia, trí thức có Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE); Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontre du Vietnam) của giáo sư Trần Thanh Vân; Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF; Liên hội Y tế Pháp-Việt (Fédération Santé France Vietnam)… Ngoài ra, còn có các hội trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, như Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance), Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Lào - Campuchia (VCL France Business Club) và trong các lĩnh vực sinh hoạt cộng đồng, như Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, Phong trào Công dân Pháp gốc Việt, Tre Xanh, Âu-Việt, Hương Sắc Việt Nam, Tinh hoa Văn hóa Việt…
Quán triệt tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam", trong nhiều năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn coi trọng công tác cộng đồng, xác định hỗ trợ cộng đồng ở mức cao nhất trong xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, hòa nhập cuộc sống xã hội sở tại và hướng về quê hương, đất nước. Đại sứ quán thường xuyên quan tâm thăm hỏi, đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng trong nước thực hiện chính sách khen thưởng cho các Việt kiều cốt cán có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng. Công tác hỗ trợ các hội đoàn lớn, có tầm ảnh hưởng như UGVF, UEVF củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, bảo đảm tính kế thừa được hết sức chú trọng. Các công tác thông tin cho cộng đồng về tình hình đất nước và các chủ trương, chính sách liên quan tới kiều bào, công tác bảo hộ công dân, giải quyết thủ tục lãnh sự tiếp tục được thúc đẩy theo hướng ngày càng thuận lợi cho bà con, công tác hỗ trợ tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, nhất là các dịp lễ, tết của đất nước… được tiến hành kịp thời.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ.