Đại hội XIII: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hình mẫu thành công

Trong bài bình luận với tiêu đề “Ấn tượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam” trên trang tin Parlamentnilisty.cz mới đây, nhà báo Séc Pavel Herman cho rằng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 là một trong những sự kiện quốc tế lớn đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Mặc dù bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh nhưng Việt Nam vẫn được biết đến như là một quốc gia đang trỗi dậy với tốc độ phát triển kinh tế cao và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm sau khi thực hiện đường lối “Đổi mới” năm 1986, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Trong 35 năm, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu tăng trưởng ấn tượng. Nếu trong thời kỳ đầu đổi mới (1986-1990), tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì đến thời kỳ 1991-1995, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 8,2%/năm. Trong giai đoạn tiếp theo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao: Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 6,8%.

Mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đã mở rộng đáng kể, với GDP đạt khoảng 262 tỷ USD năm 2019, tăng gấp 18 lần so với năm đầu tiên thực hiện chính sách đổi mới và thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.800 USD.

Với sự năng động của nền kinh tế và giá nhân công rẻ, cùng với các chính sách thúc đẩy cạnh tranh và thu hút đầu tư, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 38 tỷ USD - cao nhất trong 10 năm.

Năm 2020, trong bối cảnh của dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 28 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt hơn 543 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; thặng dư thương mại khoảng 19 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu liên tiếp kể từ năm 2016.

Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện

Theo ông Herman, trên thực tế, hơn một phần ba tổng vốn đầu tư cho xã hội ở Việt Nam tập trung vào xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa và các mục tiêu tương tự khác.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới đã thành công trong cuộc chiến chống đói nghèo và đáp ứng các yêu cầu của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ LHQ. Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 9,45% năm 2010 và xuống dưới 3% năm 2020.

Nâng cao vị thế trên cơ sở hội nhập quốc tế

Với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã thể hiện tính chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, trong đó có những hiệp định rất quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như Diễn đàn APEC 2017, Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên 2019. Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam được coi là quốc gia ứng phó hiệu quả với đại dịch và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN cũng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rất thành công. Điều này cho thấy uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tóm lại, nhà báo Herman cho rằng, những thành tựu của Việt Nam trong 35 năm qua cho thấy sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đất nước có thể coi là một hình mẫu thành công.

Công Thuận (TTXVN)
Truyền thông quốc tế đưa tin Đại hội XIII của Đảng bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo mới
Truyền thông quốc tế đưa tin Đại hội XIII của Đảng bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo mới

Ngày 31/1, nhiều hãng truyền thông quốc tế đưa tin Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đồng thời thông tin về phiên họp bầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN