Đại hội Phụ nữ XII: Nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022, sẽ được tổ chức vào ngày 7-9/3/2017 với chủ đề “Đoàn kết – Đổi mới – Bình Đẳng – Hội Nhập”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về những thành tựu nổi bật trong hoạt động của Hội thời gian qua; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2017-2022.

Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phụ nữ nói riêng và nhân dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc nói chung đang hân hoan chào đón Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Bà có thể cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội lần này?


Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng, Ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước. Đại hội đánh dấu sự trưởng thành của phụ nữ và tổ chức Hội trong giai đoạn mới – giai đoạn đồng hành cùng sự phát triển và hội nhập của đất nước sau 30 năm đổi mới; khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội; vận động, động viên phụ nữ phát huy truyền thống, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, phát triển tổ chức Hội vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Thưa bà, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát huy truyền thống tốt đẹp, sức sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Bà có thể cho biết những kết quả nổi bật được ghi nhận là gì?


Có thể thấy, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được cụ thể hóa thành những cuộc vận động và đợt thi đua sát với nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương, đơn vị. Nổi bật là Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 "không", 3 "sạch” gắn với thực hiện Xây dựng nông thôn mới. Sau một nhiệm kỳ triển khai với nhiều kết quả tích cực, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 "không", 3 "sạch” đã được Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Cuộc vận động đã tác động đa chiều vào đơn vị hộ gia đình, phát huy vai trò chủ động và mang lại lợi ích trực tiếp cho hội viên, phụ nữ, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Đáng chú ý là các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động ủy thác, hỗ trợ tiếp cận vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các hoạt động tài chính vi mô, các cấp Hội đã giúp trên 2,4 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó 430 nghìn hộ đã thoát nghèo.


Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần “tương thân, tương ái”, các cấp Hội đã vận động được trên 1.000 tỷ đồng để thường xuyên chăm lo các gia đình chính sách, gia đình các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; thăm hỏi kịp thời các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai; vận động, xây dựng, sửa chữa gần 20.000 mái ấm tình thương (vượt 97% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).


Một mảng hoạt động có tính chiến lược, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, đó là công tác tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Các cấp Hội đã đề xuất thành công 119 chính sách, trong đó có những chính sách tác động tích cực tới đời sống của phụ nữ, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về công tác bình đẳng giới và phụ nữ. Điển hình là chính sách giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ nữ cấp cơ sở; hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số…


Xin bà cho biết, những thách thức lớn nhất đang đặt ra đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện nay?


Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp trong nước, khu vực và quốc tế đang tác động đến đời sống của các tầng lớp phụ nữ. Đời sống của một bộ phận nhân dân, trong đó có phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật… còn nhiều khó khăn; tồn tại tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng; tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi; bình đẳng giới chưa đạt kết quả so với mục tiêu đề ra… là những vấn đề Hội đang rất trăn trở.


Bên cạnh đó, trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, năng suất lao động còn thấp, dẫn đến khả năng cạnh tranh của phụ nữ trên thị trường lao động, cơ hội tiếp cận việc làm bền vững còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên.


Là một tổ chức có chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, những khó khăn trên của phụ nữ cũng là những thách thức lớn đối với việc thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.


Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, xin bà cho biết điểm mới trong phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ tới?


Thời gian tới, vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ tiếp tục là mối quan tâm toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc phát huy nội lực, tinh thần làm chủ của hội viên, phụ nữ sẽ được Hội coi là nhiệm vụ hàng đầu. Các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn; thúc đẩy, khích lệ tinh thần khởi nghiệp, liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động tham gia giải quyết những vấn đề của chính mình, của gia đình cũng như toàn xã hội.


Đồng thời, Hội sẽ tạo các diễn đàn để phụ nữ trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua giám sát, phản biện xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước các vấn nạn bạo lực, xâm hại sẽ được quan tâm hơn nữa với sự lên tiếng mạnh mẽ của hệ thống Hội và huy động sự tham gia của toàn xã hội.


Trân trọng cảm ơn Bà!


Đỗ Bình (ghi) (TTXVN)
‘Dân vận khéo’ của phụ nữ Việt tại Séc
‘Dân vận khéo’ của phụ nữ Việt tại Séc

Trong gần hai năm trở lại đây Chi hội Phụ nữ tại thành phố Pisek và các vùng lân cận (thuộc tỉnh Nam Séc) để lại dấu ấn khá đậm nét đối với các phong trào của người Việt ở địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN