Đây cũng là giai đoạn bản lề để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về môi trường
Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán môi trường giai đoạn 2018 - 2021 cho thấy, đây là giai đoạn đánh dấu những bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và phương thức quản lý, bảo vệ môi trường tại Việt Nam với định hướng “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế".
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển chung của đất nước, hòa nhịp với xu thế của kiểm toán quốc tế, qua đó khẳng định, nâng cao vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của Kiểm toán Nhà nước không chỉ trong nước mà còn đối với khu vực và trên thế giới.
Trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến với Quốc hội và cơ quan soạn thảo Luật, góp phần vào thành công trong việc lần đầu tiên quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước về thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường.
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã nghiên cứu xây dựng và ban hành hướng dẫn kiểm toán môi trường, chương trình, tài liệu đào tạo kiểm toán môi trường dựa trên các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á, kết hợp với kinh nghiệm, kết quả kiểm toán trong nước cũng như quốc tế, có điều chỉnh để phù hợp với các quy định, thực tiễn về quản lý môi trường tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo về kiểm toán môi trường cho các kiểm toán viên trong toàn ngành, đảm bảo năng lực triển khai, thực hiện kiểm toán môi trường cho các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về môi trường, kiểm toán môi trường với sự tham gia của chuyên gia đến từ nhiều bộ, ngành, địa phương; thực hiện các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học về phương pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức triển khai kiểm toán môi trường, cách thức thực hiện một số chủ đề kiểm toán môi trường phổ biến như kiểm toán công tác quản lý chất thải khu công nghiệp, chất thải sinh hoạt, quản lý nguồn nước…
Về hợp tác quốc tế, Kiểm toán Nhà nước đã thành lập các Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường, Nhóm Đề án nghiên cứu ASOSAI về chủ đề “Ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường”, Nhóm Đề án nghiên cứu ASOSAI lần thứ 12 về chủ đề “Kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững”... để chia sẻ, áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ của Kiểm toán các nước trong việc tổ chức cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế về nguồn nước sông Mekong, đem lại thành công tốt đẹp.
Bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp
Trong giai đoạn 2018 - 2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đưa vào kế hoạch thực hiện trên 32 cuộc kiểm toán, trong đó đã triển khai 8 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường như kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với các Mục tiêu phát triển bền vững; kiểm toán việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi nilon...
Bên cạnh đó, có 21 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính có lồng ghép yếu tố môi trường như kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các dự án môi trường, phát triển bền vững; dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, các dự án cải thiện môi trường nước; việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bảo vệ và phát triển rừng…
Trong quý IV năm 2021, có 3 cuộc kiểm toán môi trường khác dự kiến sẽ được thực hiện, trong đó có một cuộc kiểm toán với quy mô toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Các chủ đề kiểm toán nói trên đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường, được Chính phủ, Quốc hội, người dân quan tâm, đồng thời đã được Kiểm toán Nhà nước rà soát, thu thập thông tin, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo tối đa hóa các tác động và giá trị gia tăng mà cuộc kiểm toán có thể đem lại.
Từ kết quả kiểm toán thu được, Kiểm toán Nhà nước đã thường xuyên đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý môi trường.
Nhiệm kỳ qua, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tích cực vào việc phát hiện ra những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong hệ thống cơ chế, chính sách, quy hoạch về bảo vệ môi trường; kịp thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật từ nghị định, thông tư, hướng dẫn cho đến những cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý môi trường gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng cường kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường
Tại cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị với Ủy ban sông Mekong Việt Nam nghiên cứu, có ý kiến với Ủy hội sông Mekong quốc tế xem xét xây dựng, ban hành các văn bản, hướng dẫn kỹ thuật về giám sát tài nguyên nước trên dòng chính và dòng nhánh, xác định ngưỡng dòng chảy tối thiểu… nhằm đóng góp tiếng nói trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mekong một cách bền vững, công bằng và hài hòa giữa các quốc gia trong lưu vực.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ xem xét, có biện pháp giải quyết kịp thời đối với các rủi ro ô nhiễm môi trường có thể phát sinh như việc áp dụng một số công nghệ xử lý rác thải chưa thân thiện với môi trường; việc xử lý tro xỉ phát sinh từ nhà máy nhiệt điện và phế liệu tồn đọng tại một số cảng biển...
Bên cạnh đó, phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thẩm định, phê duyệt các thủ tục, hồ sơ môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả nước thải...
Những kết quả trên đã góp phần thắt chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay từ khâu cấp phép ban đầu, đảm bảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng đầy đủ các hồ sơ, điều kiện về bảo vệ môi trường cần thiết trước khi được phép xây dựng, vận hành cũng như giảm thiểu tối đa các tác động, ảnh hưởng tiêu cực của chất thải tới môi trường trong quá trình hoạt động.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập như hệ thống thông tin giám sát, kiểm soát trực tuyến chưa được đầu tư một cách đồng bộ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp hoạt động chưa đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường.
Qua đó, xác định rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan làm cơ sở đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp và có tính khả thi. Kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị cho thấy, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát tại đơn vị được kiểm toán đã được tăng cường, nâng cao rõ rệt, tỷ lệ các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường có chiều hướng giảm, trong khi chất lượng môi trường đã dần được cải thiện qua các năm.