Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế): Báo chí là kênh thông tin đáng tin cậy của đại biểu Quốc hội
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, sự đóng góp của báo chí với hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của người dân, doanh nghiệp nói chung và Quốc hội ngày càng được khẳng định. Đồng thời, báo chí cũng góp phần cụ thể hoá chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, đại biểu và nhiều đại biểu khác thường xuyên cập nhật thông tin từ báo chí. “Chúng tôi vẫn luôn chú ý các kênh báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị nghề nghiệp, xã hội. Cùng một nội dung, một vấn đề, chúng tôi có cơ hội so sánh, cập nhật ở nhiều kênh báo chí khác nhau, bao gồm cả báo giấy, điện tử, phát thanh và truyền hình. Một vấn đề mà được tham khảo nhiều kênh khác nhau bằng những phương pháp chọn lọc, rà soát, loại trừ, đại biểu sẽ làm sáng tỏ vấn đề mình quan tâm.
Trên cơ sở đó, đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi chọn lựa để tham gia thảo luận tổ, tham gia thảo luận tại hội trường và lại tiếp tục tương tác với báo chí khi cần thiết. Điều nữa, cách chọn lựa như vậy cũng thuận lợi cho đại biểu Quốc hội để có sự soi chiếu”, đại biểu cho hay.
Theo đại biểu, thời đại công nghệ phát triển đã giúp báo chí có thêm công cụ tác nghiệp nhưng cũng đồng thời đặt ra những áp lực cạnh tranh gay gắt. Áp lực ở đây không chỉ về mặt thông tin mà áp lực còn ở kinh tế báo chí, quảng cáo…
Thế mạnh của báo chí là tính chính xác của thông tin và sự sâu sắc, chất lượng của thông tin.
Mỗi tờ báo, mỗi nhà báo, mỗi phóng viên phải đổi mới không ngừng. Đồng thời, báo chí phải phát huy cho được vai trò định hướng dư luận hướng đến giá trị có ích, tích cực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ: Báo chí đã đồng điệu trong hơi thở và nhịp đập của cuộc sống
Dù vụ việc xảy ra ở bất cứ đâu, hay bất cứ thời điểm nào, người làm báo đều dấn thân, lập tức có mặt tại hiện trường để ghi chép, phản ánh, lột tả rất tỉ mỉ, chân thực sự việc đang diễn ra.
Đại biểu Tạ Văn Hạ ấn tượng sâu sắc vào thời điểm phong tỏa khi diễn ra đại dịch, hay khi Biển Đông “dậy sóng”, mỗi nhà báo trở thành một chiến sĩ cách mạng, xung kích. Cũng không ít phóng viên đã đi vào tận “hang ổ”, tìm hiểu, điều tra, lôi ra ánh sáng những góc khuất, tệ nạn, tiêu cực đang xảy ra trong đời sống.
Theo đại biểu, tình cảm trong mỗi con người đều có, nhưng nếu không nắm được thông tin, không đến được tận nơi, thì mỗi bài báo khó giúp độc giả, công chúng hiểu và nắm bắt rõ hơn vấn đề. Nhưng điều quan trọng hơn cả là niềm tin, tình cảm của bạn đọc, người đại biểu nhân dân dành cho những bài báo cũng như chính nhà báo đó, vì mỗi dòng tin đều có sự thanh lọc, kiểm chứng.
Theo đại biểu Quốc hội, người làm báo thực sự đã đồng điệu trong hơi thở và nhịp đập của cuộc sống. Điều đó càng làm cho tính lan tỏa của thông tin lên được tới đỉnh cao nhất. Không chỉ phản ánh đơn thuần, chính cảm xúc của người làm báo ẩn trong mỗi bài viết đã góp phần lan tỏa đến không chỉ với đại biểu Quốc hội, mà còn chạm đến trái tim cử tri, nhân dân và trong toàn xã hội.
Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng kỳ vọng vào bản lĩnh, ý chí của người làm báo, có thể định hướng và dẫn dắt được dư luận, phản biện kịp thời những luận điệu sai trái. Nhưng đồng thời, báo chí cũng cần được tạo điều kiện mọi mặt, để có thể sống được bằng nghề; cần tạo hành lang pháp lý vững chắc để báo chí ngày càng phát triển, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, không thể thiếu được trong đời sống hằng ngày.