Đại biểu Quốc hội: Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện tinh gọn bộ máy

Bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cuộc “cách mạng” tinh gọn là chủ trương đúng đắn và hiện nay là thời điểm thích hợp để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện.

Tinh gọn phù hợp

Nội dung cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và người dân. Trao đổi bên hàng lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu đều ủng hộ và đề xuất các phương án thực hiện để đạt hiệu quả cao.

Clip Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị chia sẻ về vấn đề tinh gọn bộ máy:

Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Việc tinh gọn ở cơ sở, cần cân nhắc tùy vào từng ngành nghề, không chia tỷ lệ cào bằng như hiện nay. Đơn cử, như trong ngành giáo dục, không nên tinh giảm với mức 10% theo từng năm, mà cần căn cứ vào tỷ lệ học sinh; đảm bảo chủ trương của Đảng là nơi nào có học trò, nơi đó có giáo viên. Tổng Bí thư đã khẳng định, tất cả các bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu cần xếp gọn lại và hướng về cơ sở. Làm thế nào để bộ máy cấp trên và cơ sở có sự thống nhất trong điều hành. Còn các bộ phận trung gian tham mưu, nếu không cần thiết, có thể tinh gọn lại; để khi sắp xếp lại bậc lương theo vị trí việc làm thực sự mang lại hiệu quả, đảm bảo đời sống cho cán bộ”.

Thời gian qua, có một số nơi đã tinh giản cơ học theo kiểu cán bộ nghỉ hưu và không tuyển dụng mới, nhưng chưa có chính sách để đánh giá thực tế cán bộ. Hàng năm, các đơn vị vẫn đang đánh giá theo kiểu “hoàn thành tốt”, “hoàn thành xuất sắc”, tỷ lệ “không hoàn thành” ít. Vì vậy, bộ máy vẫn cồng kềnh. Nếu làm quyết liệt, sẽ “gọn” về bộ máy và “tinh” về trí tuệ.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn ĐBQH TP Hải Phòng. 

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đoàn ĐBQH TP Hải Phòng nhấn mạnh: “Thực tế, nhiều nhiệm kỳ trước đã đặt ra vấn đề tinh giản, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Trong Nghị quyết và thực tiễn đều đã triển khai việc tinh gọn, nhưng theo cách tiếp cận từ dưới lên. Từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện đã thực hiện, nhưng mới chỉ đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thí điểm ở cấp địa phương. Lần này, vấn đề tinh gọn sẽ khác, không để cấp nọ chờ cấp kia theo kiểu “trông giỏ bỏ thóc”, mà làm quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, thông suốt từ trên xuống, từ dưới lên. Chủ trương đúng và đã đồng thuận, nên trách nhiệm của ai người đó làm, ai không làm được hay không dám làm thì “đứng ra ngoài đường ray”, còn con tàu cải cách vẫn chạy. Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan bước đầu đã có những dự kiến phương án sắp xếp lại bộ máy, với cách làm mạnh mẽ gấp nhiều lần. Điều này thể hiện hành động quyết liệt, triệt để, toàn diện, đồng bộ, nói đi đôi với làm”.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng, việc “thay cũ đổi mới” bao giờ cũng sẽ vấp phải những khó khăn, nhất là trong điều kiện văn hóa của Việt Nam; thói quen bao cấp của các cán bộ công chức, kỹ năng và năng lực của cán bộ trong hệ thống chính trị; độ trễ, sức ỳ nhất định của bộ máy, thái độ cửa quyền của một bộ phận cơ quan và nhà quản lý… đã tồn tại từ lâu. Đây chính là thách thức, khó khăn và rào cản lớn trong quá trình triển khai.

“Đây thực sự là cuộc cách mạng; làm cách mạng phải phải chấp nhận có sự hy sinh. Sự hy sinh ở đây là hy sinh về quyền lợi của một tổ chức khi phá vỡ tính cục bộ và là sự hy sinh quyền lợi của cá nhân. Qua đó cũng là một lần thử thách, đánh giá cán bộ để có bước đi tiếp theo. Bộ máy nào dù tinh giản hay cồng kềnh, cốt lõi cuối cùng vẫn là con người”, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Clip Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp,chia sẻ: 

Cần chính sách phù hợp cho số nhân lực dôi dư

Theo đại biểu Hồ Thị Minh, để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần rà soát và cơ chế phù hợp đối với đối tượng thuộc diện tinh giản; có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ, làm cơ sở thực hiện tinh giản đúng đối tượng, đảm bảo tinh gọn cả bộ máy và nhân lực. Trung ương sẽ có phương án cụ thể và Tổng Bí thư cũng có kinh nghiệm cá nhân trong quá trình giải quyết nhiều trường hợp thực tiễn, thậm chí có trường hợp phức tạp.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, việc thực hiện tinh giản, chắc chắn sẽ làm được, nhưng việc thực hiện chính sách với những nhân lực dôi dư là vấn đề cần chú ý.

"Sắp tới, các vị trí bị tinh giản không chỉ là nhân viên, mà các vị trí như phó phòng, trưởng phòng… thậm chí tới cả Thứ trưởng, Bộ trưởng; số lượng nhân lực dôi dư chắc chắn không hề nhỏ. Mỗi bộ, ngành cũng có thể lên tới con số hàng nghìn người; chưa kể các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp… Vì vậy, cần có chế độ chính sách phù hợp, rõ ràng, cụ thể để những người có thể bị tinh giản sắp tới có thể hài lòng, vui vẻ chuyển sang làm việc khác. Cơ bản, cốt lõi là vấn đề con người. Giải quyết được vấn đề con người mới giải quyết được vấn đề nhận thức, tư tưởng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Bài, clip: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội vào sáng 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, việc tinh gọn bộ máy chính trị phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN