Đại biểu Hoàng Văn Cường: Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ giảm tải ùn tắc giao thông

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được đầu tư xây dựng, sẽ giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông thường nhật trên tuyến đường vành đai 3 hiện nay, giúp cho giao thông, vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh phía Nam lên phía Bắc thuận tiện, nhanh chóng vì không phải xuyên qua trung tâm Hà Nội.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, việc hình thành các tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, kết nối mạng lưới giao thông để giãn áp lực về đô thị và lưu lượng giao thông tập trung vào khu vực trung tâm các thành phố, mà còn tạo sự liên kết không gian đô thị, thêm các nguồn lực phát triển vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.  

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020, nhưng vì khó khăn về nguồn lực nên chưa được thực hiện. Đến thời điểm này, khi các nguồn lực và điều kiện đã cho phép, thì việc quyết định đầu tư xây dựng là kịp thời và phù hợp. Đặc biệt, vành đai 4 là tuyến đường đầu tiên tạo một vòng kết nối các tỉnh xung quanh Hà Nội để tạo ra mối liên kết, hợp tác, phối hợp các hoạt động kinh tế xã hội trong vùng Thủ đô.  

Tuyến đường vành đai 4 hình thành sẽ biến các vùng đất đang được sử dụng không hiệu quả với giá trị thấp hiện nay thành các trung tâm công nghiệp, thương mại, đô thị trong tương lại, vừa có ý nghĩa phân bố lại các hoạt động kinh tế trong vùng, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.  

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, mới chỉ nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã rất sôi động, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn.

“Do vậy, nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội cũng như tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cùng với việc thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP Hồ Chi Minh, đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác một cách hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu được Quốc hội chấp thuận việc quy hoạch vùng lân cận hai bên đường thành các đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hoá cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực). Tổ chức đấu thầu các dự án phát triển các trung tâm trên kèm theo nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với đường vành đai và các hệ thống giao thông trong vùng.

Trong phương án đầu tư, cần khắc phục những hạn chế như trước đây, đó là thực hiện theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng không theo cơ chế ngang giá nên dẫn đến thất thoát nguồn lực.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cơ chế đề xuất việc đấu thầu các dự án phát triển đô thị đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh của thị trường và các công cụ định giá xác định giá trị thị trường.

Nếu cơ chế này được áp dụng, sẽ thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển đồng bộ các trung tâm phát triển hiện đại; nhà nước không phải đầu tư ngân sách xây dựng các tuyến đường song hành hay đường gom, mà còn có thêm nguồn lực đóng góp vào ngân sách. Vì đất đai xung quanh khu vực có tuyến đường đi qua đều có tiềm năng phát triển, nên việc giải phóng mặt bằng các quỹ đất dự trữ trước khi triển khai làm đường vành đai sẽ thuận lợi và chi phí thấp hơn nhiều lần, so với chi phí đền bù sau khi dự án mở đường triển khai xây dựng.

“Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng một lần cho cả phần đất sẽ làm đường sắt trong tương lai”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.  

Về phương thức đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh gía cao thành phố Hà Nội đã mời gọi được nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng tham gia đầu tư  dự án thành phần 3, xây dựng toàn bộ tuyến đường cao tốc thuộc dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, theo phương thức hợp tác công tư BOT.

“Tôi kỳ vọng rằng, dự án được thực hiện theo phương thức BOT sẽ không chỉ thu hút được nguồn lực đầu tư tư nhân để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư ngân sách đang hạn hẹp, mà quan trọng hơn là dự án sẽ đảm bảo tính đồng bộ thống nhất xây dựng và vận hành với chất lượng tốt nhất”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.  

Việc không tính chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành vào dự án xây dựng cao tốc sẽ đảm bảo dự án thành phần hợp lý. Vừa đảm bảo phần vốn nhà nước không vượt quá 50% theo qui định, vừa có cơ sở tính toán chính xác suất đầu tư riêng phần xây dựng cao tốc, là căn cứ để so sánh giữa các dự án khác nhau.

Tin, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Xây dựng kế hoạch triển khai dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh
Xây dựng kế hoạch triển khai dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh

Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các dự án của đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, gửi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu góp ý hoàn hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN